Biến bất tiện do giãn cách thành cơ hội tăng gắn kết gia đình

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/9/2021 | 2:12:03 PM

YênBái - Có thể nói từ những bất tiện ban đầu do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều gia đình cũng đã từng bước thích nghi, “chuyển hóa” những bất tiện đó thành cơ hội để tăng thêm gắn kết gia đình, giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái mà trước đây không để ý hoặc thiếu thời gian bên nhau.

Đồng bào Dao xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên chuẩn bị thực phẩm phục vụ khách du lịch nội tỉnh dịp nghỉ lễ 2/9.
Đồng bào Dao xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên chuẩn bị thực phẩm phục vụ khách du lịch nội tỉnh dịp nghỉ lễ 2/9.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi kế hoạch thường niên, thói quen sinh hoạt cho phù hợp. Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng và chị Vũ Thị Hằng ở phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) thường lên kế hoạch đi du lịch vào các kỳ nghỉ lễ, nhất là dịp Quốc khánh 2/9. Đây là kỳ nghỉ ngắn để gia đình cùng "xả stress'' và để các con chia tay kỳ nghỉ hè bước vào năm học mới. Thế nhưng 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình anh chị đã chọn nghỉ lễ ngay tại nhà.

Để kỳ nghỉ có ý nghĩa, không nhàm chán, anh chị tổ chức nhiều hoạt động cho các con. Buổi sáng anh chị tập cho các con dậy sớm để tạo thói quen chuẩn bị vào năm học mới. Bữa trưa và tối, anh chị thường tự tay nấu ăn cho các con... Mỗi lần nấu nướng, chị Hằng còn rủ con gái năm nay vào lớp 7 làm cùng để tập cho con biết nấu ăn. 

Chị Hằng chia sẻ: ''Tôi rất bận và ít có thời gian dành cho gia đình. Vì thế, mỗi dịp như thế này với tôi thật ý nghĩa, có thời gian nghỉ ngơi, làm những điều mình thích''. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người dân Yên Bái đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo ''ai ở đâu ở yên đó''. Điều này không chỉ bảo vệ an toàn cho cả gia đình mà còn đóng góp vào kết quả chung trong phòng chống dịch Covid-19.

Quê ở Phú Thọ, hiện đang sinh sống, làm việc trên địa bàn phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái nên mỗi dịp được nghỉ dài chị Trần Thị Hải thường đưa con về thăm gia đình. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên từ tết Nguyên đán đến nay chị chưa được về nhà.

''Những ngày nghỉ, khi không bận bịu bởi công việc, cảm giác nhớ gia đình, người thân càng da diết hơn. Đây là năm đầu tiên kể từ khi tôi đi xây dựng gia đình mà chưa về thăm nhà vào dịp nghỉ Quốc khánh 2/9'' - chị Hải chia sẻ. Chồng đi làm ăn xa không về, ba mẹ con chị Hải đã lên kế hoạch cụ thể cho 4 ngày nghỉ lễ bằng việc mua sách, lựa chọn một số bộ phim để mẹ con cùng xem. Rồi chị kiểm tra lại quần áo, mua sắm đồ thiết yếu cho con trước khi vào năm học mới, cùng con bọc sách vở... 

Mặc dù không được đi du lịch, về quê thăm gia đình nhưng hiện nay với những ứng dụng công nghệ thông tin nên mọi người trong gia đình vẫn thường xuyên được ''nhìn'' thấy nhau. Kể từ khi dịch xuất hiện vào cuối tháng 7 vừa qua, chị Phạm Thị Mùi - quê ở Vĩnh Phúc đang công tác ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đợt nghỉ 2/9 vừa qua cũng không về thăm gia đình. Nhưng không vì thế mà chị thiếu thông tin về tình hình sức khỏe của bố mẹ, anh chị em.

 ''Gia đình tôi lập nhóm trên Zalo để trò chuyện với nhau. Mỗi tối, chúng tôi đều gọi điện, 3 - 4 gia đình cùng nhau nói chuyện. Mặc dù không được về nhà nhưng tôi thấy khoảng cách với mọi người không hề xa cách, tình cảm vẫn được gắn kết. Nhìn thấy bố mẹ và anh chị em trong gia đình khỏe mạnh tôi rất yên tâm'', chị Mùi chia sẻ. Để địa bàn được an toàn, góp phần đẩy lùi được dịch bệnh thì ý thức và sự đồng lòng của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Có thể nói từ những bất tiện ban đầu do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều gia đình cũng đã từng bước thích nghi, "chuyển hóa” những bất tiện đó thành cơ hội để tăng thêm gắn kết gia đình, giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái mà trước đây không để ý hoặc thiếu thời gian bên nhau. 

Để vượt qua mùa dịch và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, mỗi người nên giữ tinh thần lạc quan, tạo niềm vui bằng những việc làm thiết thực, giữ gìn sức khỏe, rèn luyện thể lực, thực hiện đúng biện pháp phòng chống dịch.

Quang Thiều