Báo cáo Trung ương xem xét lùi thời điểm cải cách tiền lương

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/9/2021 | 8:10:34 AM

Bộ Chính trị nhất trí chủ trương báo cáo Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội xem xét cho chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp, sáng 17/9.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp, sáng 17/9.

Sáng 17/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán năm 2022; kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 và thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, Bộ Chính trị nhất trí chủ trương báo cáo Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội xem xét cho chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo nghị quyết số 27, ngày 21/5/2018 của Trung ương khoá XII. Tờ trình về việc này sẽ được hoàn thiện để báo cáo hội nghị Trung ương lần thứ 4 tới đây.

Trước đó, tháng 5/2018, hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đã thông qua nghị quyết cải cách chính sách tiền lương. Chính phủ sau đó ấn định thời gian bắt đầu cải cách từ 1/7/2021. Mục tiêu đề ra là, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp...

Tuy nhiên, tại hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa XII), diễn ra từ ngày 5 đến 9/10/2020, Ban chấp hành Trung ương đã tán thành với kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về việc lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới, chậm một năm so với mục tiêu ban đầu, tức là từ ngày 1/7/2022 thay vì 1/7/2021.

Đánh giá ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, kinh tế xã hội đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ bám sát quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của nghị quyết Đại hội XIII; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm nỗ lực cao nhất trong phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, ưu tiên bảo đảm nguồn vaccine, thuốc; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ và các cơ quan bám sát tình hình, chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài; chủ động có các phương án phòng chống dịch phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; chủ động thích nghi, ứng phó với mọi tình huống, bắt kịp và tranh thủ cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn.

"Hỗ trợ tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động", Bộ Chính trị chỉ đạo.

(Theo VnExpress)