Thủ tướng Đức Angela Merkel và 16 năm cầm quyền trong mắt nhìn của các nhà lãnh đạo thế giới

  • Cập nhật: Chủ nhật, 19/9/2021 | 6:37:57 AM

Vào ngày 26-9 tới, người Đức sẽ bỏ phiếu trong một cuộc tổng tuyển cử để bầu Thủ tướng mới, kết thúc kỷ nguyên 16 năm lãnh đạo của bà Angela Merkel. Vị nữ lãnh đạo lâu nhất trong thế giới các nước phát triển này đã có một sự nghiệp đáng nể, đạt được những thành công được cả trong và ngoài nước ghi nhận.

Bà Angela Merkel cuối cùng cũng được nghỉ hưu sau 16 năm lãnh đạo nước Đức.
Bà Angela Merkel cuối cùng cũng được nghỉ hưu sau 16 năm lãnh đạo nước Đức.

Cho dù có sự khác biệt về quan điểm chính trị, nhưng nhiều cựu nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ, các nhà sử học, các nhà báo quốc tế đều dành sự tôn trọng đối với thành tựu cũng như cá nhân bà Merkel.

Bức tranh khảm đa màu

Trong bộ phim tài liệu của DW có tựa đề "Angela Merkel - Điều hướng cả thế giới trong khủng hoảng” trình chiếu vào cuối tuần vừa qua, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: "Angela Merkel sẽ được nhớ đến như một nữ chính khách tuyệt vời của châu Âu. Bà đã giữ cho Liên minh châu Âu đoàn kết, bất chấp nhiều khủng hoảng xảy ra”.

Trong 16 năm qua, nữ Thủ tướng Đức cùng với nhiều nguyên thủ quốc gia khác phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng quốc tế như: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2007; Cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp và Liên minh châu Âu; Những biến động trong thế giới Ảrập; Các cuộc xung đột bạo lực ở Libya và Syria; Cuộc khủng hoảng Ukraine; Cuộc khủng hoảng người tị nạn; Chủ nghĩa dân túy lan rộng; Xung đột với chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump; Ứng phó đại dịch Covid-19, và gần đây nhất là cuộc rút quân đầy rắc rối khỏi Afghanistan. 

Hầu như không ai lường trước được những biến động này. Bà Angela Merkel cũng vậy, bị buộc phải phản ứng hết lần này đến lần khác. Và theo cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói thì bà đã "không đưa ra một quyết định tồi nào”. "Bà ấy là một người có năng lực giải quyết vấn đề và quản lý tình huống. Và giải quyết vấn đề cũng là chìa khóa cho sự nghiệp kéo dài kỷ lục của bà ấy” - cựu Thủ tướng Anh nói với DW.

Ông Jean-Claude Juncker - cựu Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu nhận xét về nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức: "Tôi đánh giá bà ấy như một bức tranh khảm đa màu sắc. Nhưng trong 16 năm, bà đã làm nhiều điều đúng và về cơ bản không làm gì sai”. Khi quan hệ châu Âu-Nga xấu đi đáng kể vào năm 2013 do hậu quả của xung đột quân sự ở Syria và Ukraine, chính bà Merkel là người tiếp tục các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Những nỗ lực của bà đã được đền đáp vào đầu năm 2015 với một thỏa thuận ngừng bắn dù mong manh đối với miền Đông Ukraine. Cựu Tổng thống và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ca ngợi kỹ năng đàm phán của bà: "Bà ấy có một phẩm chất tốt của chính trị gia. Thứ nhất, bà ấy biết cách lắng nghe. Thứ hai, người phụ nữ ấy có thể kiềm chế bản thân”.

Không ai hoàn hảo, kể cả bà Merkel

"Không ai có thể phủ nhận năng lực, kỹ năng chính trị, chiến thuật sáng suốt của Angela Merkel. Nhưng điều tôi nghĩ còn thiếu là tầm nhìn chiến lược” - Niall Ferguson, một nhà sử học người Anh lập luận. Cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cũng chỉ trích bà Merkel thiếu tầm nhìn đối với Liên minh châu Âu. Ông Yanis Varoufakis nói rằng, ông muốn bà Merkel là một "người châu Âu đầy nhiệt huyết” với cam kết nhiều hơn nữa trong việc đưa EU trở thành một liên minh chính trị. 

Bà Merkel đã phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích quốc tế vì cách tiếp cận có vẻ dè dặt ban đầu đối với khoản hỗ trợ tài chính không thể tránh khỏi cho Hy Lạp nguy cơ mắc nợ nặng nề. Tuy nhiên, cuối cùng, bà đã đồng ý viện trợ hàng tỷ euro, phần lớn trong số đó đến từ Đức.

Tuy nhiên, Angela Merkel cũng có lúc rơi vào tình huống gây tranh cãi. Khi quyết định không đóng cửa biên giới với người tị nạn từ Syria và các quốc gia khác vào cuối mùa hè năm 2015, bà đã phải đối mặt với rất nhiều sự phản đối ở Đức nói chung và trong đảng của mình nói riêng. Nhưng trên chính trường quốc tế, quyết định đó đã khiến bà được hầu hết mọi người ngưỡng mộ. "Tôi biết quyết định đó không hề dễ dàng đối với Thủ tướng Merkel, nó đòi hỏi phải có rất nhiều can đảm” - Hoàng hậu Rania của Jordan nói.

(Theo ANTĐ)