Mù Cang Chải - 30 năm bứt phá và chuyển đổi

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/9/2021 | 7:48:46 AM

YênBái - Là một trong những huyện nghèo của cả nước, 30 năm trước, cơ sở vật chất của Mù Cang Chải vô cùng khó khăn, thiếu thốn từ điện, đường, trường, trạm cho đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Lối sống du canh, du cư, đốt rừng, phát nương trồng cây thuốc phiện... cộng với tập tục lạc hậu khiến cho đại bộ phận người dân thiếu đói lương thực triền miên.

Đồi Mâm Xôi - thành tựu từ bàn tay, khối óc của đồng bào dân tộc Mông là điểm nhấn ấn tượng của ngành “công nghiệp không khói” hôm nay ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Miền.
Đồi Mâm Xôi - thành tựu từ bàn tay, khối óc của đồng bào dân tộc Mông là điểm nhấn ấn tượng của ngành “công nghiệp không khói” hôm nay ở Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Miền.

Đó là chưa kể đến rất đông người nghiện lười lao động, quen trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, cứu đói từ 100 - 500 tấn gạo/năm của Nhà nước. 

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ thời điểm chia tách tỉnh 1/10/1991 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và chinh phục thiên nhiên. 

Đặc biệt, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa vùng cao vươn lên mạnh mẽ, vững chắc. Có cán bộ khuyến nông về cơ sở trực tiếp cầm tay chỉ việc và tận tình hướng dẫn, đồng bào dân tộc các xã trong huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, khai hoang thêm ruộng bậc thang, đẩy mạnh sản xuất lúa vụ đông, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Kinh tế bắt đầu phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ. Sau 30 năm tái lập tỉnh, thay thế những nương thuốc phiện, những mảnh đồi trọc là rừng sơn tra, rừng thông, pơ mu và những nương lúa, nương ngô giống mới. 

Theo đó, tổng diện tích trồng cây lương thực có hạt toàn huyện tăng 7.300 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng thêm 40.150 tấn, nâng mức bình quân lương thực đầu người năm 2020 lên 700 kg/người/năm, tăng 530 kg so với năm 1991 và thu nhập bình quân của người dân trong huyện đã đạt mức 20,44 triệu đồng/năm. 

Từ một huyện đói nghèo, lạc hậu, đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã và đang được chính bàn tay, khối óc của các "chủ thể nông thôn mới” nơi vùng cao Mù Cang Chải triển khai đồng bộ, sâu rộng với những bước đột phá đáng trân trọng và tự hào. Năm 2020, Mù Cang Chải đã có 2 bản đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành hồ sơ 1 xã về đích nông thôn mới; 3 xã đạt 11 tiêu chí, 3 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí, 3 xã đạt 8 tiêu chí và 1 xã đạt 7 tiêu chí nông thôn mới. 

Đây thực sự là cuộc cách mạng lớn trong chuyển đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc nói chung và dân tộc Mông ở Mù Cang Chải nói riêng, bởi theo đó là sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong tất cả các phong trào thi đua, lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Từ bỏ các hủ tục trong đám ma, đám cưới,  tảo hôn; xóa bỏ tập quán du canh, du cư để hạ sơn, xây bản văn hóa, vệ sinh môi trường, ăn ở "ba sạch” cho đến chăn nuôi gia súc tập trung, thi đua học và làm theo Bác và vui chung một tết Nguyên đán để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… 

Đến nay, tổng đàn gia súc chính của huyện phát triển lên trên 75.000 con, tăng 62.700 con so với thời điểm năm 1991. Chẳng những thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo với tỷ lệ giảm bình quân mỗi năm từ 7,5 - 8%, từ một huyện có 100% hộ nghèo thì nay tỷ lệ hộ nghèo của Mù Cang Chải chỉ còn 32,08% (theo chuẩn đa chiều) mà huyện còn tăng số thu ngân sách địa phương từ 360 triệu đồng năm 1991 lên trên 130 tỷ đồng năm 2020 - một con số cực kỳ ấn tượng.



Kiên cố hóa đường giao thông về xã, góp phần xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Mù Cang Chải. 

Thành tựu lớn trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, cũng là bước đột phá vô cùng quan trọng, rút ngắn khoảng cách địa lý giữa vùng cao Mù Cang Chải với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, tạo động lực cho "ngành công nghiệp không khói” phát triển, đó là kết cấu hạ tầng đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở quan tâm đầu tư phát triển mạnh. 

Đến nay, cả 14/14 xã, thị trấn trong huyện có đường ô tô được bê tông hóa đến tận trung tâm, các trụ sở làm việc được xây dựng khang trang, sạch sẽ; 100% xã có trạm y tế và điểm bưu chính viễn thông Internet; 100% thôn, bản có đường xe máy phục vụ nhân dân đi lại; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đóng góp trên 50% thu ngân sách địa phương. 

Nếu như năm 1991, người dân vẫn còn sống trong cảnh đèn dầu tù mù và Nhà nước phải hỗ trợ cả dầu thắp sáng thì đến năm 2020, lưới điện quốc gia đã được kéo về 75/98 thôn, bản, tổ dân phố và 80% hộ gia đình của Mù Cang Chải. 

Ánh sáng của Đảng và Nhà nước đã giúp Mù Cang Chải từ huyện đặc biệt khó khăn có tỷ lệ mù chữ cao đã xây dựng được 39 ngôi trường khang trang đủ chỗ cho 659 nhóm, lớp với 22.251 học sinh được cắp sách đến trường trong năm học 2020 - 2021. 

Trong đó, có trên 11.000 học sinh dân tộc được nuôi dạy tại 19 trường bán trú với tỷ lệ học sinh đi học thường xuyên, chuyên cần từ 97 - 99%. Cả 14/14 xã, thị trấn trong huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, trong đó có 7 trường đạt chuẩn quốc gia. 

Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân từ chỗ chưa được quan tâm, người ốm thì mời thầy cúng đến trừ ma thì nay có 10/13 xã trong huyện đạt chuẩn quốc gia y tế với tỷ lệ 3,3 bác sĩ/1 vạn dân, đảm bảo khám chữa bệnh cho trên 70.000 lượt người/năm và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hiện tại đạt tới 99%. 

Người dân trong huyện giờ nêu cao ý thức tự giác, tinh thần đoàn kết dân tộc trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch, nhất là Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. 

Cuộc sống mới trong thời đại công nghệ số đã và đang giúp người nông dân vùng cao dần thay đổi cách làm kinh tế từ manh mún, nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang làm dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với nét văn hóa riêng, độc đáo đầy bản sắc trong những bản làng, thôn xóm được đảm bảo chặt chẽ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…, đã thu hút lượng du khách đến với huyện tăng nhanh qua từng năm. Cao nhất là năm 2019, lượng du khách trong và ngoài nước đến với Mù Cang Chải đạt trên 250.000 lượt người với doanh thu đạt trên 95 tỷ đồng.

Những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải qua 64 năm xây dựng và phát triển, hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là sau 30 năm tái lập tỉnh Yên Bái đã được ghi nhận bằng niềm tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Đặc biệt là danh hiệu "Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” năm 2000 mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho huyện vùng cao Mù Cang Chải. Đó là những động lực vô cùng to lớn, có ý nghĩa quan trọng giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch "Bản sắc, An toàn, Thân thiện”, đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo và năm 2030 sẽ ra khỏi huyện nghèo.

Thanh Hương