Đảng viên tốt, chi bộ mạnh, nông thôn mới khởi sắc ở Nghĩa Lộ - Bài 2: Gương mẫu đi đầu, nêu cao trách nhiệm

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/9/2021 | 7:41:31 AM

YênBái - Vai trò gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ của đảng viên Chi bộ An Sơn gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là một trong những yêu cầu của Chi bộ đối với các đảng viên để thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhân dân, vì nhân dân, vì cộng đồng.

Năm 2019, nhân dân thôn An Sơn trồng gần 1 km đường hoa ban nối từ thôn Bản Đường vào đến cổng làng và hiện nay đường ban đã phát triển xanh tốt.
Năm 2019, nhân dân thôn An Sơn trồng gần 1 km đường hoa ban nối từ thôn Bản Đường vào đến cổng làng và hiện nay đường ban đã phát triển xanh tốt.


Bí thư Chi bộ Hà Thị Giang chia sẻ: "Nếu đảng viên không nêu cao trách nhiệm trước nhân dân, không gương mẫu đi đầu thì chắc chắn sẽ không thể làm được bất cứ việc gì. Người dân An Sơn chỉ trông vào hành động cụ thể của đảng viên chứ không muốn nghe những lời nói suông”. 

Quán triệt tinh thần đó, yêu cầu đặt ra là phải gắn đảng viên với những công việc cụ thể. Hiện nay, thôn chia thành 4 tổ tự quản, trong đó có 3 tổ trưởng là đảng viên. Việc phân chia này căn cứ theo địa hình các khu dân cư. Mỗi tổ tự quản phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề trong tổ, hàng tháng, Chi bộ giao nhiệm vụ cụ thể và đánh giá mức độ hoàn thành. Nhiệm vụ chính của các tổ tự quản là bảo vệ môi trường khu vực sinh sống và giữ gìn an ninh trật tự. 

Ví dụ như việc bảo vệ môi trường, vệ sinh đường ngõ xóm, đổ rác đúng nơi quy định, mỗi đảng viên trong tổ đều có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, gương mẫu thực hiện tại nơi mình ở. Tổ trưởng Tổ tự quản 2 Phạm Thị Vân trao đổi: "Thẳng thắn, đoàn kết giúp tổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trong đó, vai trò nêu gương của đảng viên hết sức quan trọng. Đảng viên được phân công nhiệm vụ phù hợp, đảng viên trẻ gắn với việc lớn hơn, đảng viên cao tuổi làm việc nhẹ nhàng hơn”. 

Tùy thời điểm có nhiệm vụ phát sinh như phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các tổ sẽ thực hiện rà soát, theo dõi, quản lý người đi, đến, ra, vào địa bàn phụ trách. Giao nhiệm vụ đi liền kiểm tra, giám sát, Chi ủy, Chi bộ sẽ đánh giá mức độ hoàn thành công việc hàng tháng, hàng quý của các tổ tự quản qua nghe báo cáo của các tổ trưởng, ý kiến của các đảng viên trong Chi bộ. Căn cứ đó giúp Chi ủy, Chi bộ làm cơ sở xếp loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ tự quản, của từng đảng viên trong năm.

"Qua theo dõi và đánh giá, 3 tổ tự quản có 3 tổ trưởng là đảng viên thì hoạt động hiệu quả hơn. Thời gian tới, Chi bộ sẽ đề nghị 3 tổ này hỗ trợ cho tổ hoạt động chưa tốt bằng và kiện toàn lại tổ đó. Chi bộ tiến tới sẽ giao cho các tổ trưởng tổ tự quản trực tiếp đánh giá, nhận xét từng đảng viên về việc thực hiện nhiệm vụ tại tổ đó như: có tham gia nhiệt tình các hoạt động của tổ tự quản không, có nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 05 không…?” là dự định của Bí thư Chi bộ Hà Thị Giang sẽ nâng cao một bước về việc nêu gương, cụ thể hơn nữa trách nhiệm của mỗi đảng viên.

Ở An Sơn, những năm qua, đảng viên đã gương mẫu đi đầu làm việc khó. Như việc cụ thể hóa ý tưởng mở rộng các tuyến đường nội đồng từ 1,5 m thành 3,0 m, đã đành người dân không muốn mất đất lại không có đền bù thì không phải đảng viên nào cũng ngay lập tức nhất trí với chủ trương ấy. Thường xuyên, liên tục giải thích, phân tích cho nhân dân về lợi ích chung thì Chi bộ cũng giao nhiệm vụ cho các đảng viên phải tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân; các đảng viên phải gương mẫu đi đầu hiến đất, trước tiên là Bí thư Chi bộ, những đảng viên giữ chức vụ các đoàn thể của thôn; phối hợp với những người có uy tín, được dân tin trong thôn tham gia tuyên truyền; gắn bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa” hàng năm với việc thực hiện các nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước. 

Điều cốt lõi nhất để thực hiện thành công chủ trương này là Chi bộ đã tính toán hợp lý, giải quyết hài hòa lợi ích cho các hộ dân, giữa các hộ dân và cả thôn phải cùng có trách nhiệm. 17 tuyến đường nội đồng dài hơn 4 km được mở rộng nhờ người dân hiến gần 3.000 m2 đất ruộng đã hoàn thành trong giai đoạn 2015 - 2020, cao điểm là năm 2017. 

Sản xuất nông nghiệp sạch, phát triển hàng hóa tập trung, cơ giới hóa sản xuất đang dần trở thành vấn đề đặt ra cấp thiết theo xu thế chung, An Sơn cũng không thể nào mà đứng yên ngoài cuộc là trăn trở của Bí thư Giang: "Làm được vậy, Chi bộ sẽ phải hoàn thành việc dồn điền đổi thửa mà xác định rõ rằng còn khó khăn hơn rất nhiều so với mở rộng đường nội đồng. Chất lượng đất các khu ruộng cơ bản đồng đều song tâm lý thì hộ xa muốn đổi, hộ gần lại không”. 6 khu ruộng của An Sơn, tổng diện tích 32,7 ha nhưng quá manh mún, nhỏ lẻ, trở ngại lớn cho sản xuất tập trung. 

Như ông Nguyễn Văn Tưởng - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Sơn chia sẻ: "Nhà tôi có gần 3.000 m2 ruộng, gồm 12 thửa, rải rác khắp chốn. Nếu có thể đưa ruộng của các hộ về tập trung theo khu sẽ tiện lợi vô cùng lại tiết kiệm công sức, chi phí sản xuất, chưa kể có thể khơi dậy sự năng động trong tư duy sản xuất của từng hộ, từng người”. 

Đơn giản như 25 ha lúa Séng cù hàng hóa vụ chiêm xuân 2021, nếu liền khoảnh liền vùng chỉ cần thuê máy bay không người lái phun thuốc 1 ngày là xong nhưng thực tế phải thuê 2 ngày do tốn thời gian lập bản đồ định vị thửa phun, thửa không. Dồn điền đổi thửa thành công đem lại bao nhiêu tiện ích, lợi ích, nhất là hiệu quả phòng trừ dịch bệnh, kiểm soát nguồn gốc thuốc, kiểm soát tốt dư lượng thuốc nên người đứng đầu Chi bộ An Sơn quả quyết: "Dù khó khăn đến đâu thì Chi bộ cũng sẽ quyết tâm làm và phải làm cho bằng được!”. 

Có một điều đặc biệt, thôn nhiều năm qua duy trì hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Sơn. HTX hoạt động tín dụng với thủ tục hợp đồng đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, không cần thế chấp, cho thành viên vay đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi... Tất cả 132 hộ trong thôn là 132 thành viên HTX. 

Tổng nguồn vốn của HTX tính đến thời điểm ngày 30/6/2021 đạt trên 5 tỷ đồng. Vài trăm lượt vay vốn HTX bình quân mỗi năm, hộ vay nhiều nhất tới 200 - 300 triệu đồng/lần. Các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và trả vốn, trả lãi đủ, đúng quy định, đến nay không có nợ xấu. 

Ngoài ra, HTX cung ứng vật tư nông nghiệp bằng hình thức đầu vụ cho dân nhận vật tư, nếu có thì trả tiền luôn hoặc trả trong vòng một tháng sẽ không tính lãi. Giá nhập thế nào, HTX bán cho thành viên đúng như thế, không có lợi nhuận. HTX thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định, hoạt động theo Luật HTX 2012. 

Ông Nguyễn Văn Tưởng - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Sơn cho biết: "HTX hoạt động hiệu quả nên trong thôn không có tình trạng người dân phải vay nặng lãi hay khốn khó vì "tín dụng đen”. 

Lợi nhuận HTX ngoài chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm, chi trả phụ cấp và đóng bảo hiểm xã hội cho Hội đồng quản trị sẽ chi cho hoạt động phúc lợi, an sinh xã hội của thôn như: tết Trung thu, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, hỗ trợ các đoàn thể… khoảng vài chục triệu đồng mỗi năm”. 

Mới nhất hồi tháng 6, từ nguồn này đã đầu tư trên 5 triệu đồng lắp 4 ca-mê-ra an ninh ở 4 góc thôn. Phải nói thêm, Hội đồng quản trị HTX có 4 người, trong đó Bí thư Chi bộ là Trưởng ban Kiểm soát; Phó Bí thư Chi bộ là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc. 

Ông Vương Đình Dương, người dân thôn An Sơn cho biết: "Thành viên có nhu cầu vay vốn chính đáng là được HTX cho vay ngay. Thủ tục vay vốn đơn giản, có lần tôi vay nhiều nhất 100 triệu đồng. Tôi đã vay là trả đủ, trả đúng. Nhờ vay vốn nuôi trâu, bò có hiệu quả, nhà tôi có điều kiện nâng cao thu nhập. Nhiều hộ cũng như thế, được vay vốn làm ăn nên cuộc sống thay đổi, thôn có nhiều đổi mới. Tổ tự quản ở đây từ tổ trưởng đến các đảng viên đều gương mẫu đi đầu thực hiện mọi nhiệm vụ, tuyên truyền nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới”. 

Có sự hỗ trợ thuận lợi về vốn vay, có sự tuyên truyền và gương mẫu của đội ngũ đảng viên, vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế của Chi bộ rõ nét hơn trong những năm qua như nhân dân tích cực sản xuất đúng lịch thời vụ, nhất là nhân dân đã chấp hành tốt mọi nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước theo quy định. 

Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của thôn An Sơn đạt 38 triệu đồng, cao nhất xã Hạnh Sơn. Thôn hiện còn 3 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo, trong đó không có hộ đảng viên nào. An Sơn phấn đấu mỗi năm giảm 2 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo và xây dựng kế hoạch giúp đỡ vốn vay phát triển kinh tế sau khi tìm hiểu nguyện vọng, điều kiện thực tế của từng hộ. 

Theo lộ trình, An Sơn sẽ hoàn thành xây dựng thôn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Tự đánh giá, thôn hiện cơ bản đạt từ 70% trở lên các tiêu chí thôn nông thôn mới nâng cao. Dẫn đầu xã về mọi hoạt động nên mục tiêu của thôn không những duy trì hiệu quả mà còn phải đạt cao hơn nữa. Yếu tố quyết định thành công mục tiêu ấy phụ thuộc rất lớn vào vai trò lãnh đạo của Chi bộ An Sơn, của đội ngũ đảng viên. 

"Đoàn kết, nêu gương sẽ giúp Chi bộ An Sơn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ!” - Bí thư Chi bộ Hà Thị Giang khẳng định.

Nguyễn Thơm