Làm báo thời mới tách tỉnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/10/2021 | 7:34:11 AM

YênBái - Bước vào nghề báo đúng thời điểm chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai; thời gian trôi nhanh quá, thoáng cái đã 30 năm. Dịp kỷ niệm ngày chia tách tỉnh bao nhiêu kỷ niệm bỗng ùa về trong tôi, để nhờ đó nuôi dưỡng, tiếp nối truyền thống và lòng đam mê của mình.

Báo Yên Bái hôm nay đã không ngừng đổi mới, lớn mạnh với 3 sản phẩm báo chí: Báo in phát hành 5 ngày/tuần, báo vùng cao song ngữ xuất bản 2 kỳ/tháng và báo Yên Bái điện tử cập nhật 24/7.
Báo Yên Bái hôm nay đã không ngừng đổi mới, lớn mạnh với 3 sản phẩm báo chí: Báo in phát hành 5 ngày/tuần, báo vùng cao song ngữ xuất bản 2 kỳ/tháng và báo Yên Bái điện tử cập nhật 24/7.

Lớp chúng tôi bước vào nghề được làm việc với những cây viết gạo cội như các nhà báo Bội Đông, Lê Năng, Trọng Tuệ, nhiếp ảnh gia Hữu Tê… Đó thực sự là những bậc thầy làm báo, với vốn sống, vốn hiểu biết rất sâu rộng, nắm bắt vấn đề nhanh, phân tích, bình luận sắc sảo nhờ vốn từ phong phú, đa dạng. Bậc cha chú không được đào tạo bài bản, có người không qua đại học, đương nhiên chẳng có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ như bây giờ nhưng đúng như tiền nhân đã nói "Trong bụng không có ba vạn cuốn sách nhưng đôi chân đã đi ba vạn dặm đường” và chúng tôi đã đọc và học cách làm báo của những người thầy như thế.

Khó khăn và thiếu thốn có lẽ là những từ không thể không nói tới về nghề báo những năm mới tách tỉnh. Đời sống kinh tế còn khó khăn là tình trạng chung và trong điều kiện khó khăn ấy anh em làm báo chỉ còn một giải pháp duy nhất là… khắc phục. 

Thí dụ như viết bài bằng bút mực, (không phải làm trên computer như bây giờ) khi đã viết bằng bút mực trên giấy thì lề phải to, dòng phải thưa để lấy chỗ mà viết thêm, mà sửa chữa khi biên tập lại.

Riêng chuyện ảnh, thời ấy đương nhiên không có máy kỹ thuật số, phóng viên sử dụng các loại máy như ZENIT của Liên Xô, PRATICA của Đức, sang nhất thì có cái máy NIKON của Nhật, ống tele zoom 20-70, chụp bằng phim, chụp xong phải tráng phim, phóng ảnh rất mất thời gian... Điều này, cũng đồng nghĩa với việc đi cơ sở về thì mới biết ảnh có đẹp hay không, có đảm bảo yêu cầu của tòa soạn hay không. 

Thời những năm 1991-1992 chưa có Internet, chưa có báo điện tử, chưa có ấn phẩm Báo Yên Bái vùng cao dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi tuần chỉ có 1 số báo, mỗi số 8 trang, diện tích mặt báo, thời lượng nhỏ hẹp như vậy nên anh em làm báo rất ít "đất diễn” và lớp trẻ như chúng tôi càng khó có cơ hội để rèn luyện, thể hiện mình.

Phương tiện giao thông cũng là câu chuyện không thể không kể tới. Thời ấy, đường sá đã khó, phương tiện công cộng hạn chế, phương tiện cá nhân chủ yếu là xe đạp nên chuyện đi cơ sở đúng là cực hình.

Tôi nhớ mãi chuyến đi công tác đầu tiên là cùng với nhà báo Hoài Nam lên Trạm Tấu bằng chiếc xe U oát của ngành giao thông. Xuất phát tại thị xã từ 6 giờ sáng mà gần 4 giờ chiều mới tới trung tâm huyện, tóc người nào người nấy đỏ như lông bò vì bụi đường. Cũng một chuyến đi Trạm Tấu khác, mấy anh em chúng tôi phải đi bộ từ Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu vì không có xe khách. Rất may, đi đến Km17 thì vẫy được xe đi nhờ. 

Nhớ mãi một lần, nhà tôi ở Nga Quán, huyện Trấn Yên sáng sáng đạp xe tới cơ quan cỡ 13 km. Có lần vừa tới cơ quan thì lãnh đạo giao nhiệm vụ đi Trấn Yên dự và đưa tin về kỳ họp bất thường của HĐND huyện (ngày ấy đâu đã có điện thoại di động để giao nhiệm vụ như bây giờ). Thế là lại tua 14 km về Trấn Yên dự họp để đưa tin, chụp ảnh, xong lại đạp xe về cơ quan nộp cho tòa soạn, rồi lại đạp xe về nhà vì đã hết giờ hành chính. Thời ấy tuổi còn trẻ, sức còn nhiều vậy mà đạp xe đến bến Âu Lâu thì mắt đã hoa, chân đã run bần bật.

Khó khăn còn nhiều lắm, không thể kể hết ra đây nhưng chúng tôi đã vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ của mình, để dần trưởng thành với nghề viết lách. Hôm nay, nhắc lại chuyện cũ như để nhắc nhở mình.

Giờ, đời sống vật chất đã đủ đầy hơn, đặc biệt công nghệ làm báo đã thay đổi mạnh mẽ, Báo Yên Bái đã trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện (báo in, truyền hình Internet, báo ảnh…). Vì vậy, đòi hỏi mỗi người làm báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đặc biệt là phải đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc, của công chúng thời buổi bùng nổ thông tin, mạng xã hội đang chiếm ưu thế lớn… Điều quan trọng hơn cả là phải giữ được tâm sáng, bút sắc, lòng trong của người làm báo cách mạng. 

Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, dù công nghệ có phát triển tới đâu thì chúng tôi - những người làm báo từ cái thời chia tách tỉnh vẫn giữ cái "chất” trong sáng, vẫn nuôi dưỡng lòng say mê nghề nghiệp, tận tâm với tôn chỉ, mục đích "Cơ quan của Đảng bộ, tiếng nói của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái” của tờ báo Yên Bái thân yêu này.

Lê Phiên