Yên Bái phát triển hạ tầng giao thông - nối liền huyết mạch kinh tế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/10/2021 | 7:46:41 AM

YênBái - Với vai trò “đi trước mở đường”, 30 năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông (HTGT) toàn tỉnh không ngừng được đầu tư, phát triển, tạo nên “mạch nguồn” giao thông thông suốt từ thành thị đến nông thôn, nhất là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Toàn cảnh nút giao IC12, cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Toàn cảnh nút giao IC12, cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Những con đường ấy, đã góp phần nối liền huyết mạch kinh tế, đánh thức tiềm năng ở mọi miền quê, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Nhắc đến Yên Bái vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người không khỏi ái ngại bởi đường sá đi lại khó khăn, chia cắt; nhiều nơi không có đường đến trung tâm xã. 

Thực trạng đó, không chỉ khiến việc đi lại của nhân dân gặp nhiều trở ngại, mà còn hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm đầu tư xây dựng cơ sở HTGT mở đường cho phát triển kinh tế, tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, tận dụng, lồng ghép các nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa, mở mới các tuyến đường. 

Từ cầu Yên Bái - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng ngày 30/12/1992, đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 7 cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng, tạo nên những "mắt xích” quan trọng, mở ra cơ hội thông thương, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. 

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đầu tư xây dựng hoàn thành vào năm 2014, đã mở ra cơ hội lớn trong phát triển HTGT của tỉnh kết nối với tuyến đường cao tốc. Từ đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng để kết nối vùng, liên vùng với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được triển khai xây dựng. 

Đó là đường Âu Cơ hiện đại, khang trang, rồi đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tiếp đó là cầu Tuần Quán, cầu Bách Lẫm, cầu Cổ Phúc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên sang phía hữu ngạn sông Hồng. 

Đến nay, toàn tỉnh có 22 tuyến đường, công trình cầu có tính kết nối vùng, liên vùng với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đã và đang triển khai đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng hoàn thiện, đồng bộ mạng lưới giao thông của tỉnh. Qua đó, góp phần đẩy mạnh liên kết các vùng, miền trong tỉnh, kết nối Yên Bái với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã được quan tâm, chú trọng đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Ngoài ra, phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn toàn tỉnh theo đề án phát triển giao thông nông thôn được nhân rộng, phát triển mạnh mẽ, kết hợp với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 134, 135… 

Nhờ đó, những năm qua, có hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được mở mới, nhựa hóa, bê tông hóa đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần hoàn thiện, nâng cao hệ thống đường giao thông nông thôn, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ thống giao thông phát triển, là động lực quan trọng đánh thức tiềm năng kinh tế của nhiều vùng, nhiều địa phương. Nhìn vào số liệu thống kê trong 5 năm gần đây cho thấy, kinh tế - xã hội Yên Bái phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt; tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm); quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 ước đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48%); tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%), GRDP bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015. 

Ông Đỗ Việt Bách - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết: "Năm 2021, tỉnh đang tiếp tục đầu tư nhiều dự án quan trọng về HTGT như: đường nối quốc lộ 32 từ thị xã Nghĩa Lộ đi tỉnh lộ 174 lên huyện Trạm Tấu; đường Trạm Tấu - Bắc Yên; đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 37 và đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu giúp tỉnh thực hiện tốt các đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt HTGT đảm bảo tính kết nối vùng, liên vùng và phát triển đồng bộ thành thị và nông thôn để không có sự chênh lệch quá lớn giữa hạ tầng vùng trung tâm, vùng sâu vùng xa nhằm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển hàng đầu ở vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”.

Những đột phá trong phát triển HTGT chính là nền tảng, là tiền đề quan trọng để Yên Bái tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; qua đó, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho diện mạo quê hương Yên Bái ngày càng đổi thay, khởi sắc, vững bước cùng cả nước đi lên trên chặng đường đổi mới.     

Đến năm 2020, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã bao gồm: 80,5 km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; 5 tuyến quốc lộ với chiều dài gần 400 km, 13 tuyến đường tỉnh với chiều dài 452 km; đường đô thị qua trung tâm các huyện, thị xã, thành phố có tổng chiều dài 329 km và gần 8.000 km đường huyện, đường xã, thôn, bản. Mật độ mạng lưới giao thông đường bộ năm 2020 tỉnh Yên Bái là 1,33 (km/km2), tốc độ phát triển mạng lưới đường bộ năm 2020 tăng 86,3% so với năm 2005, tăng 187% so với năm 1991.

 Hùng Cường