Báo Yên Bái ngày này năm ấy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/10/2021 | 9:10:54 AM

YênBái - ngày 1/10/1991, tỉnh Yên Bái chính thức đi vào hoạt động thì tờ báo Yên Bái đẹp về hình thức, sâu sắc về nội dung cũng đồng thời ra mắt bạn đọc. Và từ ngày đầu đến nay là 30 năm, Báo Yên Bái không ngừng nghỉ kỳ nào với nội dung và chất lượng ngày càng cao, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân Yên Bái.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái đọc báo Đảng. (Ảnh: T.L)
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái đọc báo Đảng. (Ảnh: T.L)

Những ngày này năm ấy, các cơ quan, đơn vị hết thảy đều đang tíu bịu vào công việc chuẩn bị chia tách tỉnh. Tâm trạng của mỗi người thật khó diễn tả, vui có, buồn có, nhưng chung quy lại là xao động trước một quyết định lớn của Đảng và Nhà nước là chia tách lại một số tỉnh có quy mô quá lớn như: Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn.

Đây là những cái tên được ghép lại từ tên của hai, ba tỉnh được sáp nhập với nhau. Riêng Hoàng Liên Sơn lấy tên một dãy núi hùng vĩ nhất vùng Đông Nam Á, có đỉnh Phan Xi Păng trọc trời cao 3.143 mét làm cái tên chung cho 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai - một cái tên đẹp nhất, hài hòa nhất vì cả 3 tỉnh đều có núi non bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn.

Sau 15 năm, tính từ ngày tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức được thành lập: 3/1/1976, có thể nói, đó là một thời kỳ nhiều khó khăn, gian khổ nhất sau chiến tranh giải phóng dân tộc kết thúc. Thời kỳ này những hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh bắt đầu bộc lộ và cũng là thời kỳ đất nước ta thấm đượm hậu quả của tư tưởng bảo thủ, trì trệ, của cơ chế quan liêu, bao cấp để lại - một cơ chế có thể phù hợp với thời kỳ chiến tranh, nhưng không còn phù hợp với thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế. 

Nhưng 15 năm Hoàng Liên Sơn đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ, đó là Hoàng Liên Sơn cùng với các tỉnh vùng biên giới phía Bắc và cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc; 15 năm Hoàng Liên Sơn cũng đã ghi những dấu ấn đầu tiên trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. 

Thời kỳ 15 năm ấy, báo Hoàng Liên Sơn đã tạo được những bước phát triển mới. Chưa bao giờ quy mô của một tờ báo lên tới 50 phóng viên, biên tập viên. Chỉ sau 2 ngày kể từ ngày tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức đi vào hoạt động, tờ báo đã ra mắt bạn đọc số đầu tiên. Tờ báo xuất bản 5 ngày một kỳ 8 trang, số lượng xuất bản từ 6.000 đến 8.000 tờ/kỳ, đặc biệt có những số xuất bản tới 2 vạn tờ/kỳ. 

Đây là thời kỳ khó khăn gian khổ, nhiều thách thức, nhưng cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ, đánh dấu bước ngoặt về chất lượng, nội dung và hình thức tờ báo mà các Tổng biên tập Vũ Văn Thụ, Hà Quyết, Bội Đông là người trực tiếp đảm trách và sự đóng góp hết sức quan trọng của tập thể phóng viên, biên tập viên và công nhân viên.

Quý III, năm 1991, Quốc hội quyết định chia tách một số tỉnh có quy mô quá lớn cho phù hợp với thực tiễn để đẩy mạnh khôi phục, phát triển kinh tế và thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sau một thời gian chuẩn bị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn quyết định thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước, đến 1/10/1991 các tỉnh Yên Bái, Lào Cai chính thức đi vào hoạt động.

Tâm trạng của những người làm báo lúc bấy giờ là vừa có cái gì đó nuối tiếc một tờ báo đang trên đà phát triển khá rực rỡ, vừa vui vì Báo Yên Bái lại trở về Báo Yên Bái; Báo Lào Cai lại trở về với Báo Lào Cai đổi mới, lại bước vào một giai đoạn phát triển mới phù hợp với thực tiễn và công cuộc đổi mới, để tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống của tờ Yên Bái và Lào Cai đổi mới đã xây dựng trong mấy chục năm qua.

Chuẩn bị cho ngày chia tách, tỉnh lo những công việc lớn của tỉnh, cơ quan, đơn vị nào lo công việc chuẩn bị của cơ quan đơn vị ấy theo sự chỉ đạo của tỉnh. Trong tâm trạng đầy xao động ấy, câu hỏi thường trực đặt ra cho Tổng biên tập Bội Đông và anh Hồ Xuân Đoan - Phó Tổng biên tập (lúc ấy cơ quan đang thực hiện cơ chế trực tuyến, nghĩa là Tổng biên tập trực tiếp chỉ đạo từng phóng viên, biên tập viên) là ai đi Lào Cai, ai ở lại Yên Bái và xác định người ra đi bao giờ cũng khó khăn và xáo trộn hơn người ở lại. Tổng biên tập lên danh sách phân chia sau đó lại thăm dò anh em rồi điều chỉnh lại. 

Tưởng là dễ nhưng thật ra rất khó, ví như: anh Sần Quáng, anh Triệu Ngọc Bích người Lào Cai, anh Phạm Ngọc Triển có bố mẹ sinh sống ở Lào Cai được phân về Lào Cai là hợp tình, hợp lý. Còn đa số anh em lại không phải là người sinh ra ở Lào Cai hay Yên Bái thì sao? Anh Bội Đông bàn với anh Hồ Xuân Đoan cái khó, cái mục tiêu ta phải đạt được là chia tách thế nào để 2 tờ báo Lào Cai và Yên Bái đủ lực lượng để ra được tờ báo cùng với hoạt động của guồng máy lãnh đạo, quản lý của mỗi tỉnh. Nói chung là ưu tiên anh em trẻ, có năng lực tốt cho Lào Cai vì hiện tại Lào Cai chưa có một tý gì gọi là cơ sở để xuất bản một tờ báo. Thế là anh Quang Trung, anh Tăng Thái, anh Phan Ái, anh Lê Minh Thảo được phân đi Lào Cai.

Chuyện nữa của những ngày này năm 1991 ấy là phân chia tài sản. Kiểm kê lại, tài sản lớn nhất của Báo Hoàng Liên Sơn khi chia tách là cái xe ô tô con đít vuông Ru-ma-ni đã rất cũ. Tài sản lớn thứ hai là cái xưởng in báo mà anh Vũ Văn Thụ và anh Bội Đông xin được mấy cỗ máy in thời cải tạo công thương nghiệp thu về của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tài sản thứ ba có giá trị là mấy cái máy ảnh. 

Cái ô tô không thể chia đôi được, tôi thuyết phục anh Hồ Xuân Đoan, Lào Cai khó khăn hơn, anh cứ nhận đem đi mà dùng, ọc ạch vừa đi vừa đẩy đấy nhưng có còn hơn không, ở Yên Bái tôi lo sau, không có ô tô thì đi xe đạp (xe máy lúc ấy còn rất hiếm). Xưởng in cũng xin dành cho Lào Cai, Báo Yên Bái quay lại xưởng in của Văn hóa. Lào Cai hiện có gì đâu, anh nhận cho tôi toàn bộ máy móc và mấy chục công nhân. 

Cơ quan lại hợp đồng xe tải để chuyên chở đồ đạc cho từng gia đình chuyển đi và chuyển máy móc của xưởng in, tinh thần là không được để một gia đình nào khó khăn và phải tự lo việc di chuyển.

Anh em chuyển đi Lào Cai được vài ngày, anh Bội Đông và một số anh em ở Báo Yên Bái lên tận nơi xem nơi ăn, nơi ở của anh em với thâm tình thương yêu như anh em ruột thịt trong một nhà đến với nhau, còn cần cái gì thì Báo Yên Bái giải quyết tiếp. Bởi Lào Cai khi chia tách tỉnh khó khăn ngút trời. Phấn khởi là được trở lại với tỉnh cũ có nhiều đặc thù, nhưng lại là nơi hoang tàn của cuộc chiến tranh biên giới tàn bạo để lại. 

Báo Hoàng Liên Sơn chia đôi, không tính 23 anh chị em ở xưởng in chuyển lên, Báo Lào Cai chỉ vẻn vẹn có 13 người, trong đó trực tiếp làm báo 7 người tất cả, kể cả anh Hồ Xuân Đoan được bổ nhiệm làm Tổng biên tập, còn lại là hành chính, kế toán, thủ quỹ, lái xe.

Với ý chí, quyết tâm và bằng tầm nhìn mới, Lào Cai nhanh chóng tạo nên một thành phố mới, mang tính hiện đại trên mảnh đất hoang tàn và làm nên nhiều kỳ tích mới mang đậm dấu ấn của thời kỳ đổi mới hiếm thấy một tỉnh miền núi biên giới nào làm được như thế. Đến tháng 3/1992, Báo Lào Cai đĩnh đạc ra mắt bạn đọc. Tòa báo là ngôi nhà 3 tầng rất bề thế trong lòng thành phố mới hiện đại nơi biên cương Tổ quốc.

Báo Yên Bái khi chia tách ra cũng vẻn vẹn có 16 người, tất tần tật từ lãnh đạo đến phóng viên, biên tập viên, kế toán, thủ quỹ, lái xe, cấp dưỡng, nhiều hơn Báo Lào Cai 3 người, trong đó chỉ có 7 người trực tiếp làm báo y như Lào Cai. Phải nói là hàng tháng trời tất bật vào công việc chia tách và tiễn đưa người ngược Lào Cai chu đáo, với giác quan của người làm báo, ngay những lúc rối bời công việc, anh Bội Đông từ khi chưa được bổ nhiệm làm Tổng biên tập đã nghĩ ngay đến việc chuẩn bị hết sức khẩn trương để tờ báo Yên Bái ra mắt bạn đọc đúng ngày 1/10/1991. 

Số báo ấy không thể giống các số báo bình thường khác mà phải đạt được hai yêu cầu: thứ nhất là tờ báo phải đẹp, phải trang trọng xứng danh với một tỉnh mới được lập lại; thứ hai là nội dung phải phong phú, phải khơi dậy được niềm khát vọng, phải nhìn cho ra những tiềm năng, lợi thế và sức mạnh truyền thống tiềm ẩn trong con người và mảnh đất Yên Bái. 

Từ biên tập đến biên tập viên Trọng Tuệ, nhiếp ảnh Hữu Tê, phóng viên Trường Túy, Minh Khai và những anh chị em khác biết rõ chủ trương, ý đồ, đề cương của Tổng biên tập để chuẩn bị ra số báo đầu tiên. Tổng biên tập viết một xã luận cho ra xã luận khơi dậy khát vọng và tương lai tươi sáng của Yên Bái, phải gieo vào lòng mỗi người một niềm tin mới, anh Hữu Tê sưu tầm cho được những tấm ảnh đẹp, phóng viên Trường Túy phải góp được những bài viết, biên tập viên Trọng Tuệ cùng với Tổng biên tập dựng ma két rồi duyệt đi duyệt lại cho thật ưng ý và xứng tầm với Yên Bái số đầu tiên. Chuẩn bị xong nội dung Tổng biên tập quyết định đưa về in tại Hà Nội. 

Thật phấn khởi đúng dự kiến ngày 1/10/1991, tỉnh Yên Bái chính thức đi vào hoạt động thì tờ báo Yên Bái đẹp về hình thức, sâu sắc về nội dung cũng đồng thời ra mắt bạn đọc. Và những số báo tiếp theo phải được xuất bản liên tục với định kỳ 5 ngày một số. 8 trang. Và phấn đấu từ ngày đầu đến nay là 30 năm báo không ngừng nghỉ kỳ nào với nội dung và chất lượng ngày càng cao, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân Yên Bái.

Hải Đường