Cuộc đời của họa sĩ vĩ đại Edvard Munch qua 26.700 tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Munch

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/10/2021 | 2:17:46 PM

Bảo tàng Munch là câu chuyện kể về cuộc đời cũng như ảnh hưởng sâu sắc của Edvard Munch đối với nền nghệ thuật hiện đại và các thế hệ nghệ sĩ.

Bảo tàng Munch mới.
Bảo tàng Munch mới.

Edvard Munch (1863 - 1944) là một trong những họa sĩ vĩ đại không chỉ của Na Uy mà còn của cả thế giới. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bức tranh "The Scream" (Tiếng thét), đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của nghệ thuật thế giới. Cuối thế kỷ 20, ông đóng một vai trò to lớn trong trường phái tượng trưng của Đức và loại hình nghệ thuật của nước này vì nỗi thống khổ mạnh mẽ về tinh thần được thể hiện trong nhiều tác phẩm mà ông đã tạo ra.

Ông có ảnh hưởng sâu sắc đối với nền nghệ thuật hiện đại và các thế hệ nghệ sĩ. Từ những tác phẩm trứ danh nằm trong những bộ sưu tập nổi tiếng được trưng bày thường xuyên của ông, tới các sự kiện triển lãm riêng lẻ, bất cứ ai cũng có thể thấy rõ Edvard Munch đã có những ảnh hưởng lâu dài không chỉ trong xã hội đương đại của chính ông, mà còn đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ ngày nay.



Edvard Munch.

Sau khi qua đời, Edvard Munch đã để lại toàn bộ tài sản của mình, bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật cho thành phố Oslo (Na Uy). Một viện bảo tàng đã ra đời để trưng bày các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, sau gần 60 năm hoạt động, viện bảo tàng này đã xuống cấp và không còn phù hợp để lưu trữ. Thành phố Oslo đã lên kế hoạch và xây dựng trong nhiều năm một bảo tàng mới, sẽ được khai trương vào ngày 22/10 tới đây. 

Lớn gấp 5 lần so với bảo tàng hiện tại, bảo tàng Munch mới cao hơn 57,4 mét, rộng 4.500 m2, với 13 tầng, 11 phòng trưng bày. Nằm ngay chính giữa trung tâm Oslo, bên rìa vịnh hẹp, bảo tàng Munch sẽ làm thay đổi đường chân trời của thành phố. Tầng trên cùng của bảo tàng mở ra một khu vực quan sát nhìn toàn cảnh thành phố Oslo. Mặt ngoài của tòa nhà được tráng bằng lớp nhôm mờ, đục lỗ có tác dụng phản chiếu sự thay đổi màu sắc trên bầu trời Oslo. Bảo tàng thể hiện sự kết nối mạnh mẽ của Edvard Munch với thiên nhiên Na Uy cũng như sở thích vẽ tranh ngoài trời của ông trong suốt bốn mùa.

Đến với bảo tàng Munch, khách thăm quan có thể thưởng thức toàn bộ các công trình nghệ thuật của Edvard Munch ở toàn bộ 13 tầng của tòa nhà. Đây là bảo tàng lớn nhất thế giới dành riêng cho một họa sĩ, và cũng là nơi trưng bày bộ sưu tập lớn nhất thế giới của ông với hơn 26.700 bức tranh, bản in, ảnh chụp, bức vẽ và tranh màu nước của họa sĩ trong giai đoạn từ 1873 đến 1944.

Điểm nhấn của bảo tàng là các bức tranh tường hoành tráng lấy cảm hứng từ những tác phẩm nổi tiếng của cố nghệ sĩ như bức "Mặt trời" (1909) - với chiều dài gần 8 mét, một số phiên bản của "Tiếng thét", gồm một bản sơ khảo bằng phấn màu năm 1893 và một bản vẽ hoàn thành sau đó năm 1910. 

Bộ sưu tập của bảo tàng còn bao gồm hàng nghìn các vật phẩm khác được tặng lại cho thành phố theo di chúc của Edvard Munch như các đĩa in và đá thạch bản cùng với hàng ngàn bức thư và khoảng 10.000 đồ vật là đồ dùng cá nhân của nghệ sĩ.

Ông Stein Olav Henrichsen, Giám đốc Bảo tàng Munch cho biết: "Bảo tàng Munch là câu chuyện kể về cuộc đời cũng như ảnh hưởng sâu sắc của Edvard Munch đối với nền nghệ thuật hiện đại và các thế hệ nghệ sĩ. Đây cũng sẽ là nơi tổ chức các cuộc triển lãm lớn dành cho các nghệ sĩ Na Uy và quốc tế, để khám phá những ảnh hưởng lâu dài của ông đối với các thế hệ nghệ sĩ đi sau. Không chỉ vậy, bảo tàng Munch còn là một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng và là điểm đến không thể bỏ qua ở Oslo đối với bất cứ du khách và người yêu nghệ thuật".

Munch được thiết kế để hướng tới mục tiêu giảm một nửa lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thành phố Oslo. Các vật liệu tái chế đã được sử dụng trong toàn bộ tòa nhà và không gian bên trong được thiết kế để tiết kiệm năng lượng tối ưu, giảm đáng kể lượng khí thải carbon của tòa nhà.

Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ: "Edvard Munch là nghệ sĩ có vị trí đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật của Na Uy cũng như quốc tế. Ông đã rất hào phóng khi tặng lại toàn bộ tài sản của mình cho thành phố Oslo. Mặc dù phải chia tay với bảo tàng Munch hiện tại sau 58 năm phục vụ người dân nhưng tất cả mọi người trong đó có tôi đều rất mong chờ được tới thăm bảo tàng Munch mới. Bảo tàng được khánh thành vào ngày 22/10, đặc biệt trong bối cảnh Na Uy và Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao năm nay lại càng có ý nghĩa đặc biệt với tôi”.

Bảo tàng Munch sẽ mở cửa từ sáng đến tới, đây sẽ là một điểm nhấn mới cho đường chân trời của Oslo. Nó sẽ giúp người dân thủ đô cũng như các du khách có cái nhìn tổng quan cũng như nhận biết phương hướng trong thành phố, những ngọn núi và vịnh hẹp Oslo. Bảo tàng sẽ giúp du khách trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử thành phố, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị và nghệ thuật của Edvard Munch.
(Theo VOV)