Cần trả lại kỳ thi tuyển sinh đại học đúng nghĩa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/10/2021 | 2:59:21 PM

Việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh đại học ngày càng bộc lộ nhiều bất cập do tính chất, mục tiêu hai kì thi hoàn toàn khác nhau.

Thí sinh Hà Nội chuẩn bị làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Thí sinh Hà Nội chuẩn bị làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin hàng loạt thí sinh có điểm thi tốt nghiệp rất cao, thậm chí đạt điểm tuyệt đối 30/30 vẫn trượt đại học. Từ hiện tượng nói trên, nhiều giáo viên, chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt những bất cập của phương thức tuyển sinh đại học hiện nay.

Như Lao Động đã phản ánh, phương thức tuyển sinh đại học dựa trên điểm tổng kết học bạ sẽ tạo ra phong trào chạy điểm, cấy điểm không thể kiểm soát, kích hoạt "bệnh thành tích”, tiêu cực, bất bình đẳng tràn lan trong giáo dục. Thực tế hiện tượng này đã diễn ra ngay sau khi có quy định tuyển sinh đại học dựa vào học bạ, và để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý triệt để là không thể.

Việc tuyển sinh đại học dựa trên điểm thi tốt nghiệp cũng bộc lộ bất cập, hạn chế và mâu thuẫn không thể khắc phục. Mặc dù cùng kiểm tra một phạm vi kiến thức, cùng một đối tượng (học sinh hoàn thành chương trình THPT), nhưng do hai kì thi có tính chất, mục tiêu khác nhau, nên việc dùng chung kết quả sẽ dẫn đến bất cập.

Cụ thể, kì thi tốt nghiệp THPT dành cho tất cả các thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT, kiểm tra trình độ, kĩ năng đạt yêu cầu theo chuẩn đầu ra cấp học thì cấp bằng tốt nghiệp. Đây là kì thi có tính chất sát hạch, không có tính cạnh tranh, đề thi ra ở mức cơ bản, có độ khó bình thường, để học sinh học lực trung bình có thể làm bài đạt yêu cầu.

Còn kì thi tuyển sinh đại học chỉ dành cho đối tượng thí sinh có nhu cầu học lên đại học (hiện nay chiếm khoảng 30% học sinh THPT hàng năm). Đây là kì thi nhằm chọn ra những thí sinh có học lực, kĩ năng xuất sắc nhất, có tính cạnh tranh. Đề thi có độ phân hóa cao, độ khó cao hơn nhiều so với thi tốt nghiệp.

Theo tiến sĩ Toán học Lê Thống Nhất, do đề thi tốt nghiệp có độ phân hóa và độ khó thấp, nên thí sinh xuất sắc cũng chỉ đạt điểm 10 là tối đa, và thí sinh ở mức khá cũng có thể đạt điểm 10. Điều này dẫn tới điểm tuyển sinh đại học bị đẩy lên quá cao, không thực chất, vì thí sinh đạt điểm 10 thi tốt nghiệp chưa hẳn đã là xuất sắc; trong thi thí sinh xuất sắc không có cơ hội thể hiện.                

Việc tổ chức 1 kì thi tốt nghiệp để làm căn cứ tuyển sinh đại học về hình thức bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, lại tiết kiệm kinh phí cho người dân và các trường đại học. Nhưng do những bất cập nói trên dẫn đến thước đo không chính xác. Đây là mâu thuẫn không thể giải quyết. Do đó, nhiều trường phải tổ chức các kì thi bổ sung, như bài thi kiểm tra năng lực, thi ngoại ngữ, xét học bạ... càng thêm rắc rối, tốn kém.

Do đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất hướng tháo gỡ, hóa giải mâu thuẫn nói trên. Có một số phương án được đưa ra như bãi bỏ kì thi tốt nghiệp THPT để giảm áp lực, thay vào đó là hình thức xét tốt nghiệp; giao việc tuyển sinh đại học về cho các trường như trước đây.

Phương án thứ 2 là thành lập một số trung tâm khảo thí quốc gia và vùng, độc lập với các trường đại học, có nhiệm vụ tổ chức thi, đánh giá năng lực học sinh tốt nghiệp THPT để các trường đại học làm căn cứ tuyển sinh; các kì thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Dù phương án nào, thì cũng cần thực hiện nguyên tắc là không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh đại học.

(Theo LĐO)