Yên Bái: Đảm bảo cấp nước hợp vệ sinh vùng nông thôn

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/10/2021 | 7:35:22 AM

YênBái - Với địa hình chủ yếu là đồi, núi, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có các giải pháp để đưa nước hợp vệ sinh (HVS) đến với nhiều thôn, bản vùng nông thôn.

Trẻ em vùng cao sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trẻ em vùng cao sử dụng nước hợp vệ sinh.

Thông qua các chương trình, dự án và nhiều nguồn vốn về lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn, giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Yên Bái đã đầu tư 298 tỷ đồng để đưa nước HVS về vùng nông thôn. 

Bằng nguồn kinh phí này, tỉnh xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 30 công trình cấp nước tập trung cho 12.384 hộ; giúp nhân dân xây dựng được 10.700 công trình cấp nước hộ gia đình, cung cấp nước cho 10.700 hộ. Từ các công trình được đầu tư, nhiều hộ dân vùng nông thôn đã được tiếp cận với nước HVS. 

Chị Hà Thị Hồng ở thôn Ngã Ba, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: Trước đây, do công trình cấp nước sinh hoạt hư hỏng, xuống cấp, nước bẩn đục, lúc có lúc không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Nhưng một năm nay, từ khi công trình này được nâng cấp, nước sạch đã được cung cấp thường xuyên. Bà con phát hiện thấy có gì hỏng hóc có thể trao đổi ngay với thành viên tổ quản lý, vận hành để tìm hướng khắc phục. Chi phí cũng được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ vật tư, thiết bị như ống dẫn nước, van, đồng hồ đo đến tận nhà nên nhân dân rất phấn khởi. 

Để các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo hiệu quả, UBND tỉnh đã ra quyết định bàn giao tài sản cho UBND các xã quản lý. Đến hết năm 2020, UBND tỉnh đã có quyết định bàn giao 352 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn cho các địa phương tổ chức quản lý vận hành, tổng giá trị là 456 tỷ đồng; đồng thời thanh lý 57 công trình bị hư hỏng, hết khấu hao tài sản. Trên cơ sở đó, các địa phương đã thành lập ban quản lý vận hành công trình, có quy chế và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. 

Ngoài nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình, thành viên ban quản lý còn có trách nhiệm thực hiện bảo vệ các tác động bên ngoài gây ảnh hưởng đến nguồn nước, nguồn sinh thủy. Công tác đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở; quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình; thông tin truyền thông nhằm tuyên truyền đến các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân hiểu hơn về mục đích cấp nước an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, tránh thất thoát, lãng phí nước được chính quyền các địa phương quan tâm đẩy mạnh.

 Chất lượng nước được chú trọng kiểm tra xét nghiệm. Tất cả các công trình cấp nước tập trung thực hiện đầu tư xây dựng đều được xét nghiệm chất lượng nước trước và sau khi xây dựng công trình. 

Năm 2019 - 2020, Sở Y tế đã thực hiện lấy 956 mẫu xét nghiệm nước khu vực nông thôn, chất lượng nước cơ bản đáp ứng được các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành. Trung tâm y tế cấp huyện, cán bộ y tế thôn, bản duy trì tốt việc giám sát, hướng dẫn thực hiện các hộ sử dụng nguồn nước gia đình tự khai thác thực hiện thau rửa, vệ sinh và khử khuẩn đảm bảo nước HVS khi sử dụng. 

Hàng quý, trung tâm y tế các huyện tổng hợp số liệu và báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo đúng quy định. 

Hàng năm, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt để phòng, tránh phát sinh dịch bệnh. 

Thực tế cho thấy, cấp nước nông thôn là một trong những công trình thiết yếu trong đời sống, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh đến nay đã có 91% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt HVS; 90,8% người dân nông thôn vùng cao được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt HVS; 100% trường học công lập, 99%  trạm y tế có công trình nước HVS… 
Hoài Anh