Phát hiện bích họa ruộng bậc thang Mù Cang Chải trên núi

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/10/2021 | 10:57:49 AM

YênBái - Ngày 9 - 10/10/2021, cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tiếp cận thẩm định và nghiên cứu, xác định hai khối đá khắc cổ trên núi Dở Trú Chế Nhù, thôn Hú Trù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Hai khối đá khắc cổ trên núi Dở Trú Chế Nhù, thôn Hú Trù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải
Hai khối đá khắc cổ trên núi Dở Trú Chế Nhù, thôn Hú Trù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải

Núi Dở Trú Chế Nhù cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 7 km theo đường liên xã Kim Nọi- Chế Tạo, cách trung tâm xã Lao Chải khoảng 10 km theo đường liên thôn và nằm cách sân bay Nậm Khắt, xã Nậm Khắt khoảng 15 km đường chim bay. Đây là ngọn núi thuộc dãy Hoàng Liên, cao nhất so với các đỉnh núi xung quanh. 

Tại đây, theo quan sát của cán bộ Bảo tàng Yên Bái, có khoảng 13 khối đá granit lớn, lộ thiên, nằm rải rác xung quanh ngọn núi Dở Trú Chế Nhù. Trên bề mặt 2/13 khối đá có vết khắc cơ bản phủ kín bề mặt với chủ đề chủ yếu miêu tả địa hình cảnh quan thiên nhiên như: đồi, núi, suối, ruộng bậc thang và hình tròn đồng tâm nằm cách nhau khoảng 90m.

Khối đá thứ nhất nằm sát trên đỉnh thuộc vườn rừng gia đình nhà ông Lờ A Nhà có chiều dài khoảng 3,5m; chiều rộng 1,5m. Khối thứ hai nằm trên vườn sơn tra của nhà ông Lờ A Páo, có chiều dài khoảng 5m, chiều rộng nhất khoảng 3,7 m trên bề mặt có những nét khắc được trau chuốt, khá tỷ mỉ và mềm mại theo thớ lồi lõm, những hình khắc này biểu thị thế giới quan của người xưa có từ vài trăm năm cách ngày nay. Cả hai khối đá khắc cổ đều mô tả cuộc sống lao động, sản xuất trên ruộng bậc thang.

Từ năm 2015 đến nay, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã phát hiện 14 khối đá khắc cổ trên địa bàn xã Lao Chải và được phân bố thành ba cụm tại các thôn: Tà Ghênh: 6 khối, Xéo Dì Hồ: 4 khối và Hú Trù Lình: 4 khối. Trong các khối đá nói trên có một khối đá phát hiện năm 2021 có lẽ đã được người Pháp phát hiện vì có vết khắc tên bằng chữ Pháp trên đó và tiếp theo gần đây các đôi nam nữ người Mông cũng khắc tên lên đó.

Việc phát hiện thêm đá khắc cổ ở thôn Hú Trù Lình đã đưa tổng số khối đá có hình khắc cổ lên 14 khối. Đây là những phát hiện có ý nghĩa rất quan trọng, cần có kế hoạch tư liệu hóa và xây dựng hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích và khai thác du lịch khám phá gắn với văn hóa người Mông bản địa.

      Lý Kim Khoa (Bảo tàng tỉnh Yên Bái)