Vĩnh biệt nhà thiết kế Chula - người tôn vinh văn hóa Việt

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/10/2021 | 2:24:46 PM

Chula thích đi xe máy trên những con phố duyên dáng của Hà Nội ngắm nhìn sự sống động phi thường của thành phố, thích tết, ham lang thang qua những chợ truyền thống, thần tượng Trịnh Công Sơn, yêu nghệ thuật tuồng, mặc quần áo họa tiết thổ cẩm.

Chula sáng tác rất nhiều ca khúc và gần đây anh còn tập sáng tác những bài hát bằng tiếng Việt
Chula sáng tác rất nhiều ca khúc và gần đây anh còn tập sáng tác những bài hát bằng tiếng Việt



Nhà thiết kế Chula với hình ảnh quen thuộc trong những thiết kế thời trang mang họa tiết thổ cẩm Việt 

Một nỗi đau buồn sâu sắc vừa ập đến với vợ con nhà thiết kế Chula khi người chồng, người cha của họ vừa nằm xuống bất ngờ ở tuổi 49 vì đột quỵ khi đang chơi bóng đá rất vui vẻ bên các con tối 13-10.

Nhưng một nỗi xúc động khác đã an ủi họ phần nào, đó là tình cảm dạt dào của người Việt dành cho Chula.

Chula xứng đáng với tất cả tình yêu thương đó, bởi cuộc đời ngắn ngủi 49 năm, trong đó có 17 năm ở Việt Nam, anh đã gieo rắc "một núi tình yêu" và điều tử tế cho mảnh đất này, đã miệt mài tôn vinh những vẻ đẹp bình dị mà sâu sắc của nơi mà anh và gia đình chọn là quê hương thứ hai, là quê nhà, nơi ba đứa trẻ tuyệt vời của anh được sinh ra và lớn lên.



Chula thích đi xe máy và yêu những tinh hoa nghề thủ công Việt 

Tôn vinh văn hóa Việt hơn cả nghệ sĩ Việt

Đến Việt Nam cùng người vợ trẻ vào năm 2004 như những vị khách du lịch, chỉ sau vài tuần, kiến trúc sư Diego Del Valle Cortizas (Chula) và vợ anh - Laura Fontan Pardo - đã lập tức bị mảnh đất này mê hoặc.

Rất nhanh chóng, Diego quyết định từ bỏ nghề kiến trúc sư, cùng vợ với đứa con đầu lòng trong bụng đến Việt Nam để sống một cuộc đời mới, với công việc mới - nhà thiết kế thời trang.

Bàn chân của người đàn ông xứ Tây Ban Nha đầy nhiệt huyết này lang thang từ miền núi tới nông thôn, qua những thành thị của Việt Nam để tìm kiếm lụa là vải vóc, những tinh hoa nghề thủ công tuyệt vời của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam để mang vào các tác phẩm thời trang của mình.



Người đàn ông này luôn thường trực nụ cười rạng rỡ và những lời ân cần dành cho tất cả mọi người 

Mỗi chiếc váy, áo của Chula đều là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, từ dáng hình tới những họa tiết nổi bật anh sáng tạo ra từ những vẻ đẹp anh nhìn thấy ở Việt Nam như chiếc ghế nhựa trà đá vỉa hè, cờ phướn sắc màu lễ hội, đèn lồng Hội An, cánh cửa sổ màu xanh nơi những tòa biệt thự Pháp cổ, những họa tiết sắt thép "song xưa phố cũ", Khuê Văn Các, đèn ông sao, mặt nạ Trung thu, quạt cây, thậm chí là những khung tre ngựa vàng mã…

Thời trang của Chula nhào thẳng vào đời sống và ở lại với con người, từ những nhà ngoại giao, những nghệ sĩ cho tới những người chỉ đơn giản là yêu cái đẹp.

Tác phẩm của Chula bước vào cả những khu phố của dân lao động ven sông Hồng để mở tiệc thời trang cho bà con cả đời chỉ có thể thấy sàn diễn trên tivi.

Chula chẳng bao giờ muốn thời trang của mình xa lạ với con người, bởi chính người Việt và nền văn hóa Việt phong phú đã nuôi dưỡng nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của anh.

"Có lẽ chưa nhà thiết kế thời trang nào ở Việt Nam lại có thể thành công trong việc tôn vinh tinh thần Việt như Diego Cortizas Del Valle - Chula. Dòng máu Tây Ban Nha của anh hòa một nhịp với văn hóa Việt Nam đến độ ám ảnh", nhà thiết kế Vũ Thảo nhận xét về Chula.

Trong gần 20 năm qua, Chula đã mang những thiết kế đầy tinh thần Việt đến giới thiệu ở nhiều trung tâm sáng tạo của thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Thái Lan, Malaysia… Những váy áo mang "mật mã văn hóa" Việt cũng theo chân bao tín đồ thời trang của anh đi khắp chốn nhân gian.

Gần đây, anh còn dấn thân vào hội họa với chân dung Trịnh Công Sơn, chân dung những phụ nữ Việt xưa với áo yếm và khăn vấn đầu, khuôn mặt trang điểm như một bức họa sống động của nghệ sĩ tuồng… Anh còn viết nhạc với lời bằng tiếng Việt.



Những bức họa đầu tiên của Chula cũng là những bức họa chân dung phụ nữ Việt xưa với áo yếm và khăn vấn đầu

Ông Tây to lớn với nụ cười rộng mở

Studio ở số 43 Nhật Chiêu, ven hồ Tây của Chula bao năm qua là một địa chỉ văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội. Chula đứng ra tổ chức những buổi triển lãm, những đêm trình diễn âm nhạc, thời trang, đọc thơ… cho những nghệ sĩ tài năng và cá tính nhất của Hà Nội.

Studio ấy chắc chắn đã là một địa điểm văn hóa độc đáo làm giàu có thêm rất nhiều cho mảnh đất Hà thành.

Chula biến xưởng sản xuất thời trang của mình thành ngôi nhà thứ hai của nhiều phụ nữ khuyết tật. Nhiều đứa trẻ của những người phụ nữ kém may mắn đã chào đời, nhiều tổ ấm được gây dựng từ đây.

Bước ra ngoài "cái tổ" xinh đẹp của mình, ông Tây to lớn với nụ cười rộng mở, những lời ân cần luôn thường trực trên môi ấy còn sẵn sàng lăn lê ngoài đường phố vẽ tranh, dựng tác phẩm để cùng các nghệ sĩ Việt tạo dựng điểm nghệ thuật công cộng Phúc Tân cho bà con lao động xóm ven sông...

"Một núi tình yêu" anh đã tặng và hẳn thế nên khi anh đột ngột nằm xuống nơi này, anh cũng nhận lại cả núi tình yêu của mọi người.



Chula cùng vợ và ba con với những đứa trẻ khác trong những thiết kế thời trang mang đậm tinh thần Việt của anh

Theo thông tin từ gia đình, tang lễ của nhà thiết kế Chula sẽ được tổ chức riêng tư, nhưng sẽ có một đêm "tưởng niệm và mừng vui về cuộc đời cùng những thành tựu của anh".

Thời gian dự kiến vào tuần tới, gia đình sẽ cập nhật thông tin về lễ tưởng niệm trên trang Facebook Chula.

(Theo TTO)