Nguyễn Văn Đạt - gương sáng ở Hồng Quân

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/10/2021 | 7:29:44 AM

YênBái - Dám nghĩ, dám làm và lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp, anh Nguyễn Văn Đạt ở thôn Hồng Quân, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã vượt khó vươn lên, trở thành điển hình trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Xưởng chế biến gỗ rừng trồng của Hợp tác xã Đạt Thành tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Xưởng chế biến gỗ rừng trồng của Hợp tác xã Đạt Thành tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sau nhiều năm xoay xở với đủ nghề khác nhau, đến năm 2011, anh Đạt bắt đầu thành công từ nghề chế biến gỗ. Năm 2020, anh Đạt vận động một số hộ trong khu vực thành lập Hợp tác xã (HTX) Đạt Thành với 7 thành viên, do anh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc.

Anh Đạt chia sẻ: "Gỗ bóc không phải là nghề mới, song việc phát triển nghề chế biến lâm sản tại địa phương có tiềm năng rất lớn. Bắt tay vào làm, tôi gặp rất nhiều trở ngại. Tôi phải đi học tập kinh nghiệm tại các xưởng chế biến gỗ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; đồng thời, tìm hiểu thêm kiến thức trên sách, báo và Internet”.

Những năm đầu, tận dụng diện tích đất đồi vườn của gia đình ở thôn Hồng Quân, anh đặt 1 dàn máy gồm: máy tu gỗ, máy bóc ván, máy mài và máy cắt. Để nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường, anh tiếp tục đầu tư mua thêm gần 1.500 m2 đất tại thôn Tân Lập, xã Hán Đà, mua thêm máy xẻ, máy bóc, mở thêm một xưởng chế biến gỗ. Xưởng mở gần  quốc lộ, thuận lợi rất nhiều cho việc thu mua gỗ cũng như chế biến và vận chuyển. 

Để tạo được uy tín với khách hàng, anh cẩn thận chọn lọc kỹ chất lượng gỗ đầu vào và hướng dẫn tỉ mỉ cho công nhân bóc, xẻ đúng tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm ván bóc của xưởng ngày càng nâng cao, đầu ra ổn định. Sản phẩm gỗ ván bóc của gia đình anh Đạt được các doanh nghiệp ở Việt Trì, Phú Thọ về tận nơi thu mua để làm ván ép xuất khẩu. Hiện nay, 2 xưởng chế biến gỗ của vợ chồng anh Đạt cung cấp ra thị trường trên 500 m3 ván bóc/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, thu lãi đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm. 

Đặc biệt, HTX Đạt Thành với các công đoạn chế biến gỗ đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình đạt từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế chung có nhiều biến động nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của HTX Đạt Thành vẫn luôn ổn định. 

Anh Trần Xuân Thu - công nhân HTX Đạt Thành cho biết: "Trước đây, tôi làm ruộng, chăn nuôi, thu nhập thấp. Làm việc tại HTX, tôi được học tập kỹ thuật, kinh nghiệm, trực tiếp đứng máy, có việc làm và thu nhập ổn định. Trung bình mỗi tháng, tôi làm khoảng 20 ngày công, thu nhập đạt 400.000 đồng/ngày, giúp tôi cải thiện cuộc sống. Hơn nữa, tôi không phải đi làm xa vẫn tranh thủ ngày nghỉ phụ giúp gia đình”. 

Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Đạt cũng là tấm gương điển hình trong các phong trào nhân đạo từ thiện ở địa phương, như: hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo; đóng góp ủng hộ làm đường giao thông nông thôn; làm đèn đường chiếu sáng; vận động nhân dân trong khu dân cư, trong xã thu gom rác thải đúng nơi quy định, tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp cho thôn xóm. Nhiều năm liền, hộ anh Đạt được bầu chọn và đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. 

Ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hán Đà cho biết: "Xưởng sản xuất, chế biến gỗ của HTX Đạt Thành hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện cho người dân trong khu vực tiêu thụ gỗ rừng trồng. Từ mô hình của anh Đạt, chúng tôi đã nhân rộng, đẩy mạnh các phong trào thi đua của xã”.

Vũ Đồng