Khoai sọ nương Trạm Tấu trên đất Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/10/2021 | 7:30:05 AM

YênBái - 5 ha giống khoai sọ nương Trạm Tấu được đưa vào trồng ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải từ tháng 5 năm 2021. Đây là Dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đề xuất triển khai thực hiện, nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của cây khoai sọ để có định hướng mở rộng trong những năm tiếp theo.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá mô hình trồng giống khoai sọ nương Trạm Tấu tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá mô hình trồng giống khoai sọ nương Trạm Tấu tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

Xã Hồ Bốn có 545 hộ, 2.832 nhân khẩu, 5 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 92,2%. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng mới vào sản xuất để bổ sung cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm hàng hóa nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao thu nhập, giúp người dân thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. 

Một trong những giống cây trồng có giá trị kinh tế được xác định là giống khoai sọ đang được trồng tại huyện Trạm Tấu. Đây là giống khoai bản địa, cây thấp, củ tròn, vỏ mỏng, da trắng, ăn dẻo, đậm thơm và có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Đặc biệt, cây khoai sọ nương Trạm Tấu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa, ngô và một số cây trồng khác. Ở huyện Mù Cang Chải, người dân trồng giống khoai sọ địa phương từ nhiều năm nay nhưng chất lượng không ngon bằng giống khoai sọ Trạm Tấu. 

Trong khi đó, huyện Mù Cang Chải nói chung, xã Hồ Bốn nói riêng có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên so với huyện Trạm Tấu, có khả năng thích hợp với sự sinh trưởng, phát triển của giống khoai sọ Trạm Tấu. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ tại xã Hồ Bốn.

Đảm bảo khung lịch thời vụ tốt nhất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải, UBND xã Hồ Bốn khảo sát chọn điểm và chọn hộ thực hiện, ưu tiên các hộ tâm huyết và nhiệt tình, xem xét các hộ có diện tích tương đối tập trung ở các bản khác nhau để thuận lợi cho việc khuyến cáo mở rộng sau này. 15 hộ ở 5 bản: Trống Là, Trống Trở, Trống Gầu Bua, Háng Đề Chu, Háng Á đã trồng 5 ha, trong đó 1 ha trồng trên đất ruộng 1 vụ tại thôn Trống Là, 4 ha trồng trên đất nương đồi.

Các hộ tham gia mô hình được nhận 100% định mức giống khoai sọ nương Trạm Tấu, 100% định mức phân bón vô cơ và được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Thực hiện mô hình đã giúp các hộ dân sử dụng hiệu quả đất nương đồi, đất ruộng kém hiệu quả để nâng cao thu nhập và có thể mở rộng diện tích những năm tiếp theo. Năng suất khoai sọ trên đất ruộng 1 vụ ước đạt 8 - 8,2 tấn/ha, trên đất nương đồi 8 - 8,5 tấn/ha. 

Anh Sùng A Phung, bản Trống Là, xã Hồ Bốn cho biết: "Năm đầu tiên trồng khoai như thế là được rồi. Giá khoai bán được 10.000 đồng/kg. So với ngô, lúa thì trồng khoai cho thu nhập khá hơn nên tôi sẽ mở rộng diện tích cho lần trồng sau”. 

Chất lượng củ khoai sọ nương Trạm Tấu trồng ở xã Hồ Bốn được đánh giá tốt như được trồng tại huyện Trạm Tấu. Theo tính toán, 1 ha khoai sọ đạt thu nhập bình quân khoảng 136 triệu đồng, cho lãi trên 50 triệu đồng và so với lúa nương, ngô đồi thì hiệu quả cao hơn từ 30 - 35 triệu đồng/ha/năm.

"Giống khoai sọ nương Trạm Tấu trồng ở xã Hồ Bốn phù hợp đất đai, cho chất lượng tốt. Nếu dân chăm sóc tốt hơn sẽ đạt năng suất cao hơn. Thời gian tới, xã sẽ vận động người dân mở rộng diện tích” - ông Sùng A Bình, Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn khẳng định. 

Dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ” triển khai thành công và từng bước phát triển, nhân rộng sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, sử dụng hiệu quả diện tích đất nương đồi và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.                                                                                  
Nguyễn Thơm