Giải pháp tái sử dụng bã quế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/10/2021 | 7:37:12 AM

YênBái - Để chưng cất ra 300 tấn tinh dầu quế cần khoảng 50.000 tấn cành lá quế, sau đó bã thải ra khoảng 35.000 đến 40.000 tấn, trong đó có 57,2% sử dụng làm chất đốt còn 42,8% phải tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường. Với một sản lượng lớn bã quế thải ra môi trường, nhiều giải pháp tái sử dụng bã quế đã được nghiên cứu và đưa ra.

Nhóm tác giả thực hiện lọc nước bằng nguyên liệu từ tái sử dụng bã quế.
Nhóm tác giả thực hiện lọc nước bằng nguyên liệu từ tái sử dụng bã quế.

Sau một thời gian nghiên cứu về những hướng có thể xử lý bã thải quế, nhóm tác giả Lục Thị Thu Hoài, Nguyễn Nữ Tú, Lê Phạm Hải Nam - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã nghĩ tới cách tái sử dụng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và sản phẩm của việc tái sử dụng có thể vận chuyển đi sử dụng ở nhiều địa phương khác nhau. 

Cô Lục Thị Thu Hoài cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu thực hiện Dự án Tái sử dụng bã quế sau khi chưng cất tinh dầu làm vật liệu hấp phụ, hấp thụ ion amoni và kim loại nặng trong nguồn nước ô nhiễm. Kết quả của dự án là hoàn thiện quy trình biến tính cellulose và than sinh khối từ bã quế, dung dịch CH3COOH 97%, dung dịch NaOH 2,5mol, dung dịch HNO3 6mol, dung dịch NaOH 0,3mol cho hiệu quả hấp thụ ion kim loại nặng và hấp phụ ion amoni, có khả năng lọc nước tối ưu, khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp và khu vực sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hiện nay”. 

Mẫu nước sau khi lọc bằng vật liệu này hoàn toàn có thể sử dụng trong sinh hoạt. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng thiết kế được thiết bị lọc nước khá đơn giản có thể sử dụng cho các hộ gia đình ở vùng khó khăn chưa có điều kiện sử dụng nước máy hay vùng lũ lụt nguồn nước bị ô nhiễm. 

Theo đó, thiết bị lọc nước gồm 5 tầng lọc lần lượt từ trên xuống dưới là cát, cellulose biến tính, than sinh khối biến tính, cát, sỏi. Để chứng minh nguyên liệu có thể lọc được bụi bẩn và hấp thụ được ion kim loại nặng, hấp phụ được ion amoni nhóm nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm 3 mẫu nước gồm: nước chưa lọc, nước lọc qua than hoạt tính và nước lọc qua cellulose, than sinh khối biến tính tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phân tích một số thông số: độ đục, hàm lượng chì và ion amoni. 

Với nước khi sử dụng phương pháp lọc đang được sử dụng phổ biến hiện nay là qua cát, sỏi và than hoạt tính có thể làm giảm độ đục, hàm lượng ion amoni giảm tới mức cho phép nhưng hàm lượng kim loại nặng chì thì vẫn vượt quá giới hạn cho phép. Còn với mẫu nước đã thay than hoạt tính bằng cellulose và than sinh khối biến tính làm từ bã quế có kết quả về độ đục, hàm lượng ion amoni và chì đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt.

Như vậy, giải pháp này đã thực hiện được "mục tiêu kép” vừa giảm thiểu lượng lớn bã thải quế sau khi chưng cất tinh dầu vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Chi phí để điều chế vật liệu thấp. Để điều chế 1 kg than sinh khối và 1 kg cellulose biến tính chỉ cần 350.000 đồng, có thể xử lý được 10m3 nước thải/ngày với thời gian sử dụng từ 2 - 3 tháng. Vật liệu trên còn có thể sử dụng vào giai đoạn 2 của xử lý nước thải công nghiệp sau khi thực hiện giai đoạn xử lý sơ bộ để tăng hiệu quả của việc xử lý nước thải ô nhiễm kim loại nặng và amoni, trước khi thải ra môi trường. 
Hoài Anh