Bích họa ruộng bậc thang trên đá Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/10/2021 | 2:06:13 PM

YênBái - Xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải có tổng diện tích tự nhiên 15.860ha, dân tộc người Mông chiếm 99% dân số, gồm các ngành Mông Si, Mông Lềnh, Mông Đu; 1% là các dân tộc khác. Địa hình của Lao Chải chủ yếu núi cao, núi đá với những đỉnh cao như: Pó Tào (Tam Linh- 2.150m), Xa Xâu (1.809m)... Lao Chải ở độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 1.400m. Điều đặc biệt ở nơi đây là bãi đá với các khối/phiến sa thạch mang hình khắc cổ nằm rải rác cách nhau từ 20m đến 5 km.

>> Phát hiện bích họa ruộng bậc thang Mù Cang Chải trên núi


Bãi đá khắc cổ gồm các khối/phiến sa thạch có hình khắc cổ trên bề mặt, nằm rải rác cách nhau từ 20 m đến 5 km ; có khối đá chìm, có khối đá nổi trên triền sườn dốc cách các con khe suối nhỏ khoảng 30 - 100m. Phần nhiều các khối đá có hình khắc lạ được bà con người Mông phát hiện từ khi khai hoang đào ruộng bậc thang, làm nương rẫy.

Một số khối đá cũng có vết khắc nhưng bà con đã phá hủy khi làm nương, đào ruộng hay làm nhà. Theo lời những người cư trú ở đây lâu năm, trên các triền núi cao trong rừng thông vẫn còn những khối đá lớn cũng có vết khắc tương tự như ở đây. 

Những khối đá được chọn khắc lên bề mặtcũng đa dạng,có khối mặt phẳng nghiêng, khối mặt phẳng ngang, khối thì như mu rùa nhưng đều nằm ở vị trí thoáng, có tầm nhìn bao quát xa, rộng; có khối chìm do thời gian, có khối lộ thiên.

Nét tạo hình khắc khá kỳ công, uốn lượn, mềm mại tùy theo mặt lồi, lõm, phẳng của mặt đá. Hình ruộng bậc thang là đề tài chủ yếu của các hình khắc song cũng có 1/6 khối hình phác họa lưỡi rìu, lưỡi thanh đao, lưỡi gương, dao nhọn, mỏ chim... đường nét uốn lượn như thân rồng còn rất rõ nét.


Theo các nhà chuyên môn, đây không phải là ký hiệu cột mốc và càng không phải là họa địa đồ cổ như nhiều người từng nghĩ, mà chỉ có thể phán đoán là "Bản thông điệp thiết kế ruộng bậc thang của người xưa hoặc họa lại ruộng bậc thang trên đá" của người bản địa, khi người bản địa ở đây cảm nhận được vẻ đẹp của ruộng bậc thang chính mình tạo nên mà họa lại. 

Dùng phương pháp luận lịch sử, tộc người Mông nói chung rất thích ở nơi khí hậu ôn đới núi cao, sống bằng nghề trồng trọt, làm nương rẫy, săn bắn, hái lượm và du canh, du cư. Họ là một tộc người rất thông minh, sáng tạo, tự sản xuất ra tất cả dụng cụ sản xuất, săn bắn, vải may mặc cho đến nhạc cụ, nhưng một khi không còn rừng để làm nương rẫy và cũng không thể lên cao hơn được nữa (vì đây đã là đỉnh núi) thì ruộng bậc thang chính là cuộc cách mạng lớn về phương thức sản xuất kiểu mới để định cư lâu dài hình thành. 


Cho đến nay, vẫn chưa đủ tài liệu để nói rằng, trước đó đã có cư dân dân tộc Mông sinh sống ở trên vùng núi cao này hay chưa, nhưng có thể tạm khẳng định với việc tộc người Mông phát minh ra nghề làm ruộng bậc thang thì các khối đá khắc cổ này có tuổi đời cách đây chỉ khoảng 450 đến 300 năm có lẻ và vẫn rất cần tiếp tục làm rõ thêm trong thời gian tới.

Việc mở rộng nghiên cứu phát hiện các bãi đá khắc cổ từ việc làm ruộng bậc thang- tri thức dân gian bản địa đã mở ra tiềm năng nghiên cứu tiếp theo. Việc tiếp tục thống kê các khối đá khắc cổ, thực hiện các hoạt động khảo cổ học hang động, dân tộc học, tự nhiên… sẽ làm cơ sở phát huy giá trị di sản "nền nông nghiệp ruộng bậc thang" thông qua các kết quả nghiên cứu khoa học, khảo cổ để khẳng định thêm những giá trị văn hóa- lịch sử- khảo cổ của vùng đất Yên Bái nói chung, Mù Cang Chải nói riêng đồng thời mở ra những hướng đi mới trong phát triển du lịch, đóng góp hữu hiệu cho nền kinh tế địa phương vùng cao trong tương lai.

Thành Trung