Đổi mới sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông 2018: Thầy và trò cùng chuyển biến

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/10/2021 | 7:41:44 AM

YênBái - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xem như một cuộc đổi mới sách giáo khoa và chương trình học lớn, khoa học và hiện đại nhất từ trước tới nay: từ chương trình định hướng nội dung đã chuyển sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Sau một năm thực hiện, đây là lúc đánh giá về kết quả đối với giáo dục Yên Bái.

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc.
Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc.

Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Chương trình mới có nhiều điểm khác biệt về khung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giáo dục theo hướng "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh”. Giáo viên không truyền đạt kiến thức như trước đây mà vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tham gia, tìm tòi và làm chủ kiến thức. Vai trò của người thầy quyết định phần lớn hiệu quả thực hiện chương trình. 

Qua một năm học thực hiện Chương trình GDPT 2018 lớp 1, các giáo viên của trường khẳng định: học sinh mạnh dạn, tự tin, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ I; sau đó được củng cố, tăng cường bền vững ở học kỳ II. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga - giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học thị trấn Cổ Phúc chia sẻ: "Dạy theo Chương trình GDPT 2018 giáo viên vất vả hơn, nhưng học sinh hào hứng, tích cực hơn trong học tập. Do đó, chất lượng giáo dục cao hơn. Tôi hoàn toàn tin tưởng chương trình sẽ mang tới một kết quả giáo dục tốt hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội hiện đại”. 

Sau một năm triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 cơ bản đã đạt được các yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục, năng lực và phẩm chất; học sinh tự tin, tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động học tập, tỷ lệ học sinh hoàn thành môn học, hoạt động giáo dục và đạt các năng lực phẩm chất cao hơn so với năm học trước. Học sinh được đánh giá xếp loại từ hoàn thành trở lên 97,3% (tăng 0,1% so với năm học trước); xếp loại chưa hoàn thành 2,7% (giảm 0,1 so với năm học trước). Trong năm học, có 8.240 học sinh được khen thưởng, đạt tỷ lệ 46,52%, trong đó khen thưởng cuối năm học 8.157 học sinh, chiếm 45,5%, khen thưởng đột xuất 183 học sinh. 

Để đạt được kết quả đó là do có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, nỗ lực vượt khó của toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Công tác lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch từ khâu nghiên cứu, lựa chọn tại nhà trường. Công tác tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn được tiến hành từ rất sớm. 

Các hình thức bồi dưỡng phong phú đã giúp giáo viên hiểu và thực hiện tốt về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và sử dụng thiết bị. Để hỗ trợ giáo viên dạy lớp 1, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo đội ngũ cốt cán ghi hình một số tiết dạy minh họa làm tư liệu để các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thảo luận; tổ chức cho giáo viên cốt cán dự giờ, hướng dẫn, rút kinh nghiệm cho giáo viên lớp 1. 

Cùng đó, các huyện tổ chức nhiều chuyên đề cấp huyện, cấp cụm trường về dạy các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, các trường cơ bản đã bố trí phòng học đảm bảo nhất cho lớp 1, vì vậy 100% số lớp 1 được học 2 buổi/ngày và sử dụng các trang thiết bị hiện đại.

Các lớp học đã được đầu tư thiết bị đảm bảo theo danh mục tối thiểu; học sinh vùng khó khăn được trang bị bộ thiết bị thực hành môn Toán, Tiếng Việt để phục vụ học tập. 100% số trường có cấp tiểu học đã trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 theo quy mô lớp, học sinh. Một số đơn vị trường đã huy động nguồn xã hội hóa mua sắm thêm các thiết bị như tivi màn hình lớn thay thế máy chiếu phục vụ dạy và học. Trong điều kiện thiếu giáo viên, các nhà trường đã ưu tiên bố trí đủ 100% giáo viên dạy lớp 1 đảm bảo đạt chuẩn về trình độ, năng lực. 

Trong quá trình thực hiện, Sở GD&ĐT thành lập nhiều đoàn công tác, cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia việc hỗ trợ giáo viên qua các hình thức: dự giờ, thăm lớp, dự tiết dạy chuyên đề, trao đổi trực tiếp với giáo viên để chia sẻ, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của giáo viên trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục, xây dựng kế hoạch dạy học, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trong thực hiện giảng dạy... để kịp thời tư vấn, giúp đỡ giáo viên giải quyết thắc mắc, khó khăn. Các huyện tổ chức nhiều chuyên đề cấp huyện, 100% số trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học.  

Đúng theo lộ trình, năm học 2021-2022 triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Ngành GD&ĐT Yên Bái đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ. Các phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường bố trí đội ngũ theo hướng đảm bảo cân đối, hợp lý. 

Đặc biệt, đã bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp đối với các môn học thiếu giáo viên và các môn học mới, trong đó ưu tiên bố trí giáo viên cho các lớp thực hiện chương trình GDPT 2018. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được triển khai từ sớm, giáo viên trong toàn ngành có ý thức cao trong việc tự nghiên cứu phương pháp dạy và học, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật với những kiến thức mới, những phương pháp giáo dục hiện đại.

Thanh Vy