“Tỏa bóng” giữa đại ngàn

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/10/2021 | 7:43:01 AM

YênBái - Tích cực vận động người Mông bỏ trồng cây thuốc phiện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất 2 vụ lúa/năm, chuyển diện tích đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng giống ngô mới có năng suất cao. Đó là cụ Mùa A Sùng, dân tộc Mông ở thôn Tấu Giữa ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu mà bà con người Mông nơi này rất nể trọng và luôn noi gương.

Cụ Mùa A Sùng.
Cụ Mùa A Sùng.

Cụ Mùa A Sùng sinh năm 1942. Thời thơ ấu, cụ Sùng cũng như bao người Mông khác sống trong đói nghèo, mù chữ nên khi trưởng thành, cụ sớm giác ngộ và luôn xung phong đi đầu trong mọi hoạt động của cách mạng. Đến năm 1964, cụ tham gia công tác Đoàn và đảm nhiệm chức Bí thư Chi đoàn xã Trạm Tấu. Với nhiều thành tích nổi bật, năm 1967, cụ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. 

Năm 1970, cụ tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến tại chiến trường Lào. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về, năm 1973, cụ được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu và đến năm 1976 là Bí thư chi bộ xã (nay là Đảng bộ) xã Trạm Tấu. 

Ở cương vị nào, cụ cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, cụ tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nổi bật là việc tích cực vận động người Mông bỏ trồng cây thuốc phiện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất 2 vụ lúa/năm, chuyển diện tích đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng giống ngô mới có năng suất cao. 

Cùng đó, cụ đã tiên phong san sẻ trên 2 ha đất của mình cho các hộ nghèo có đất sản xuất để cùng vượt khó vươn lên thoát nghèo. Từ đó, phong trào san sẻ, nhường đất canh tác cho các hộ thiếu đất tại xã Trạm Tấu đã lan tỏa rộng khắp, điển hình như hộ ông Lầu Nhà Lâu nhường gần 30.000 m2, ông Giàng Tráng Thào nhường gần 2.800 m2, ông Thào A Chú nhường trên 5.500 m2… 

Theo đó, các hộ tham gia hiến đất cho hộ nghèo ở xã Trạm Tấu đã tăng dần lên gần 100 hộ. Từ phong trào hiến đất, giúp các hộ nghèo có đất để sản xuất, làm nhà ở, phát triển chăn nuôi. Nhờ vậy, toàn xã không còn hộ nghèo thiếu đất sản xuất, cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng lên. 

Cùng với những việc làm trên, cụ Sùng cũng là một trong những điển hình đi đầu và tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Mông thực hiện chủ trương của huyện về sản xuất 2 vụ lúa/năm, chuyển diện tích đất sản xuất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi năng suất, chất lượng cao. 

Bên cạnh đó, cụ Sùng còn tích cực vận động bà con cho con em mình đến trường học tập đến nơi đến chốn, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, đóng góp công, của xây dựng trường học. Riêng gia đình cụ Sùng có 4 người con, 12 cháu đều đã có trình độ từ cao đẳng đến đại học và nhiều người trở thành cán bộ, giáo viên ở xã, ở thôn. 

Không chỉ vậy, cụ là một trong những già làng có uy tín tham gia xây dựng quy ước, hương ước về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xóa bỏ các hủ tục: không làm nghi lễ tang ma dài ngày, không thách cưới cao, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống... 

Từ việc noi gương cụ Mùa A Sùng, hiện nay, đời sống của bà con đồng bào Mông ở xã Trạm Tấu đã có nhiều đổi mới. Nhà nào cũng đủ cơm ăn, áo mặc, không còn hộ bị đói giáp hạt như trước đây. Cụ Sùng được bà con trong xã ví như "cây đại thụ” tỏa bóng giữa đại ngàn. Bởi thế, trong thôn, xã có việc gì khó, anh em cán bộ đều tham khảo ý kiến của cụ để xây dựng phương hướng giải quyết phù hợp. Nhờ vậy, những năm qua, ở thôn Tấu Giữa nói riêng và xã Trạm Tấu nói chung ít xảy ra mâu thuẫn, bà con luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu.

Với thành tích đạt được, cụ Mùa A Sùng được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trao tặng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen. 

Sùng A Hồng