Mì dinh dưỡng - giải pháp nhỏ, hiệu quả lớn của 2 nữ sinh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/10/2021 | 7:43:26 AM

YênBái - Làm thế nào để tạo ra món ăn cân đối dinh dưỡng, hấp dẫn với màu sắc, mùi vị đặc trưng, giá cả cạnh tranh, tiện dụng hơn so với mì gạo thông thường? Câu hỏi đó đã thôi thúc 2 cô học trò Hoàng Ngọc Diệp, lớp 12A1 và Nguyễn Thị Thu Thủy, lớp 12A5, Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, Yên Bái mày mò nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm mì dinh dưỡng đáp ứng được các tiêu chí nổi bật trên.

Sản phẩm mì dinh dưỡng của hai em Ngọc Diệp và Thu Thủy.
Sản phẩm mì dinh dưỡng của hai em Ngọc Diệp và Thu Thủy.

Thông minh, sáng tạo và tư duy khoa học là cảm nhận khi trò chuyện với 2 bạn trẻ Ngọc Diệp và Thu Thủy. Đam mê nghiên cứu chính là sợi dây gắn bó đôi bạn không học chung lớp nhưng chung ý tưởng với dự án khoa học sản xuất ra sản phẩm mì dinh dưỡng. Truyền cảm hứng cho 2 bạn trẻ là cô giáo Đào Thị Hồng Hạnh, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên. 

Cô Hạnh vốn là "cây sáng kiến khoa học” đã dẫn dắt nhiều học sinh thành công với các đề tài khoa học khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sản phẩm mì dinh dưỡng, thành quả sau gần 9 tháng nghiên cứu của nhóm tác giả không chỉ ấn tượng về màu sắc, khác biệt hẳn so với các loại mì gạo khác trên thị trường mà còn đặc biệt bởi nguyên liệu, thành phần và cách thức trong quá trình làm ra. 

Em Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: "Sở dĩ sản phẩm có tên gọi là mì dinh dưỡng bởi nguyên liệu để làm ra có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tìm, giá thành rẻ, bao gồm: gạo Khang dân, hạt sen, hạt óc chó, ý dĩ, vừng đen, bột chùm ngây sấy lạnh”. 

Bắt tay vào nghiên cứu, khó khăn nhất đối với 2 bạn học sinh là thiếu kiến thức về quá trình sản xuất mì. Để khắc phục được hạn chế này, Ngọc Diệp và Thu Thủy đã phân công công việc hợp lý. Dưới sự dẫn dắt của cô giáo Hạnh, 2 em đã tìm đến các cơ sở sản xuất mì trên địa bàn và tham quan về quy trình sản xuất các sản phẩm mì gạo khác tại một số làng nghề trong và ngoài tỉnh. Đây chính là điểm mấu chốt để 2 em xây dựng quy trình sản xuất mì dinh dưỡng và tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình. 

Sau gần 10 lần thử nghiệm thay đổi tỷ lệ nguyên liệu và thời gian thực hiện các bước trong quy trình, 2 em đã rút được nhiều kinh nghiệm. 

Em Hoàng Ngọc Diệp cho biết: "Công đoạn ngâm gạo, ủ bột và trộn bột được xác định là khâu then chốt quyết định đến đặc tính của sản phẩm. Thời gian ngâm bột theo mùa, mùa đông ngâm 7-8 giờ, mùa hè ngâm 3-4 giờ. Ngâm với tỷ lệ gạo/ nước là 1/2. Thời gian ủ bột trong 10 giờ. Công đoạn nhào bột phải đạt độ ẩm 34% để bột sau khi trộn và nhào nếu nắm chặt có thể vón cục nhưng không dính tay”. 

Để đảm bảo độ tin cậy về dinh dưỡng cho sản phẩm, 2 tác giả đã gửi mẫu mì đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia nhằm kiểm nghiệm, đánh giá các chỉ tiêu về dinh dưỡng và các yếu tố khác trên sản phẩm. 

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đã cho giáo viên, học sinh, phụ huynh của Trường THPT Chu Văn An dùng thử và được phản hồi tích cực về sản phẩm với hương vị rất riêng, thơm, ngon, sợi mì dai. Sản phẩm là sự kết hợp hoàn hảo giữa bột gạo cùng 5 loại nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, màu sắc, bảo đảm chất dinh dưỡng… 

Sản phẩm mì dinh dưỡng của Ngọc Diệp và Thu Thủy đã đạt giải Ba Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tỉnh Yên Bái lần thứ I/ 2020. Thành công của nhóm tác giả đã một lần nữa khẳng định hiệu quả của phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học trong Trường THPT Chu Văn An đồng thời cho thấy sự đam mê, nghiên cứu tìm tòi và ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn của các em học sinh. 

Sản phẩm mì dinh dưỡng có khả năng áp dụng rộng rãi và có ý nghĩa trong việc góp phần hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế từ nghề sản xuất mì. Đây cũng chính là mục tiêu mà nhóm tác giả hướng đến. 

Thu Hiền