“Con tàu của chúng ta chỉ có một bánh lái chứ không cần đến bánh lái thứ hai”

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/10/2021 | 7:44:02 AM

Đây là tiêu đề bài viết của tác giả đoạt giải A trong cuộc thi Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư và ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao giải A cho các tác giả đoạt giải.
Ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư và ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao giải A cho các tác giả đoạt giải.

Cuộc thi viết về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần đầu tiên tổ chức đã nhận được hơn 8.000 bài viết. 1 trong 8 giải A được trao cho tác phẩm "Con tàu của chúng ta chỉ có một bánh lái chứ không cần đến bánh lái thứ hai” của tác giả Phạm Thị Mai (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Tác giả bài viết rất trẻ, thuộc thế hệ 9X đã cất công tìm hiểu vấn đề này bởi lẽ: Chiêu trò "đa nguyên, đa đảng” không lúc nào ngớt khỏi miệng lưỡi của các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị. Các luận điệu sai trái này đều nằm trong "diễn biến hòa bình”, nhằm chống phá Đảng, chống phá cách mạng và con đường XHCN của Việt Nam.



Tác giả Phạm Thị Mai (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tự ban cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội

Bằng những lập luận sắc bén, phân tích sự phi lý của điệp khúc đòi "đa nguyên, đa Đảng” ở Việt Nam, tác giả Phạm Thị Mai đã vạch rõ bộ mặt thật của chiêu bài "đa nguyên chính trị”, "đa đảng đối lập” là như thế nào, một chế độ "đa nguyên, đa Đảng” có thực sự tốt hay không? Thực chất của chế độ đa đảng ở các nước hiện nay ra sao? Vấn đề cốt lõi có nằm ở hình thức một đảng hay đa đảng, hay cốt lõi là Đảng đó mang lại lợi ích cho ai, mang lại lợi ích cho số đông hay thiếu số? Quần chúng nhân dân có phải là người được hưởng lợi hay không?

Qua đó, tác giả khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là một chính đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ tự ban cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, trở thành Đảng duy nhất cầm quyền là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam, là sứ mệnh cao cả mà nhân dân Việt Nam đã tin tưởng và giao phó.

Tác giả nhấn mạnh: "Cần nhận thức rằng, những sai lầm ở chỗ này hay chỗ khác, lúc này hay lúc khác xảy ra là do cái chủ quan đã làm méo mó cái khách quan của một số cá nhân, con người cụ thể chứ không thể làm thay đổi bản chất cách mạng, khoa học cũng như sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dựa trên kinh nghiệm chính trị thực tiễn, kinh nghiệm lịch sử lâu dài, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam như đại đa số nhân dân Việt Nam gần một thế kỷ qua vẫn luôn giữ niềm tin vào Đảng”.

Tất cả luận cứ trong bài viết đi đến khẳng định mưu đồ đòi "đa nguyên, đa Đảng” ở Việt Nam chính là âm mưu, thủ đoạn nằm trong chiến lược "diễn biến hòa bình”. Trong đó, điểm mấu chốt, cốt lõi, cũng như mục tiêu cơ bản, xuyên suốt, không hề thay đổi của chiêu bài này là phương Tây muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mà cái đích cuối cùng chính là dã tâm, mưu đồ đen tối muốn phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, làm sụp đổ chế độ XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang dày công xây dựng, hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thực chất là tạo điều kiện, tiền đề cho việc ra đời và công khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, ngăn chặn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Từ thực tiễn bảo

vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay cho thấy, Việt Nam không có nhu cầu, đòi hỏi cần có một cơ cấu, một chế độ chính trị đa đảng đối lập. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là Đảng duy nhất có đủ khả năng và trách nhiệm lãnh đạo nhân dân ta đi về tương lai XHCN.

Theo tác giả trẻ, các thế lực thù địch luôn tìm cách để xuyên tạc, chống phá bằng những thông tin xấu độc lặp đi lặp lại nhiều lần, hàng ngày, hàng giờ len lỏi vào đời sống có thể gây ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, niềm tin của người dân. Hơn lúc nào hết, người dân Việt Nam cần tỉnh táo, nâng cao sức tự đề kháng trước những thông tin xấu, độc, những luận điệu xuyên tạc, thù địch; nói không với việc chia sẻ thông tin xuyên tạc, thiếu căn cứ trên mạng xã hội, những fanpage không chính thống, không có nguồn gốc rõ ràng.

"Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn, phức tạp, cần sự chung tay của rất nhiều lực lượng, nhưng trong đó, vai trò của quần chúng nhân dân vẫn là quan trọng nhất, lòng dân là tất cả, thành bại đều là dựa vào dân. Vì vậy, phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp này chính là nhiệm vụ then chốt” – chị Phạm Thị Mai cho biết.

Đấu tranh trực diện với các luận điệu sai trái về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết "Phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về tư tưởng và hình ảnh Hồ Chí Minh” của Tiến sĩ Lê Trung Kiên - giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng được Ban tổ chức cuộc thi trao giải A.



Tiến sĩ Lê Trung Kiên.

Theo TS Lê Trung Kiên, để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để bôi nhọ danh dự, xuyên tạc, phủ nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc bằng cách ngụy tạo chứng cứ, cắt ghép hình ảnh nhằm hạ bệ lãnh tụ cũng như loại bỏ niềm tin của đảng viên và nhân dân về nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để thực hiện mưu đồ trên, các đối tượng thường dùng những phương cách rất đa dạng, từ những dạng bài viết, bình luận, video clip, phim ảnh, thậm chí phỏng vấn người được cho là "nhân chứng”, cắt ghép các bài nói của cựu cán bộ, đảng viên để nhào nặn ra nhưng tác phẩm sai trái, với nội dung xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp của Người.

Theo tác giả Lê Trung Kiên, để đưa ra những luận cứ, luận chứng chứng minh, phản bác, phủ nhận những âm mưu, thủ đoạn hiểm hóc về mọi mặt của các thế lực thù địch liên quan đến di sản Hồ Chí Minh là điều không hề dễ dàng. Người viết đứng ở vị trí nào để phản bác? Khả năng nhận thức ra sao để đóng góp tiếng nói, cách nhìn của mình nhằm đập tan mọi luận điệu, âm mưu sai trái? Đồng thời khẳng định quan điểm của Đảng, của hệ thống chính trị từ trước đến nay đối với chế độ ta là hoàn toàn đúng đắn, trên cơ sở lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là bộ phận cấu thành quan trọng của Đảng.

"Nếu chưa đạt đến trình độ thấu hiểu đầy đủ có lẽ sẽ rất khó. Bởi vì sự hiểu biết không đầy đủ, toàn diện thì lăng kính, cách nhìn của người viết dù nói hay, nói tốt đi chăng nữa sẽ không chứng minh, không phản biện, phản bác được thì thành ra tuyên truyền không hiệu quả” – giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng cho biết.

Trong 10 ngày hoàn thiện bài viết, tác giả luôn trăn trở làm sao biểu đạt ngôn từ đúng bản chất nhất, chính xác nhất mang tính đấu tranh, có làm lượng thông tin khoa học để làm sao các tầng lớp nhân dân khi tiếp cận bài viết đều hiểu đúng về bản chất di sản Hồ Chí Minh.

Với cách đấu tranh trực diện, TS Lê Trung Kiên đưa ra tất cả luận điệu xuyên tạc trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí là các trang sử dụng tiếng Việt ở nước ngoài theo nhóm vấn đề. Từ việc nêu ra những thủ đoạn, âm mưu đó, tác giả đã sử dụng những luận cứ, luận chứng sắc sảo chứng minh và làm rõ tất cả những giá trị bền vững, nền tảng tư tưởng của Hồ Chí Minh để phản bác lại.

"Tôi nghĩ đây là cách hữu hiệu nhất thể hiện tính logic, các đối tượng nói gì thì mình sẽ phản bác cái đó; họ nêu tất cả hệ thống như thế nào thì mình sẽ đưa ra một hệ thống phản bác như vậy. Đây là cách đấu tranh trực diện. Trong bài viết cũng lồng ghép, kết hợp giữa vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với phản bác luận điệu sai trái. Bảo vệ và phản bác đi liền với nhau, mang tính biện chứng” – TS Lê Trung Kiên chia sẻ.

Cuộc thi viết chính luận khoa học "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” lần đầu tiên tổ chức nhằm phát hiện, xây dựng mạng lưới và đào tạo đội ngũ những "cây viết” chính luận khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. 

Cuộc thi phát động từ ngày 19/5/2021-15/8/2021. Chiều 21/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao giải cuộc thi.

Ban tổ chức đã lựa chọn 65 cá nhân và 10 tập thể để trao giải. Trong đó có 35 giải dành cho bài viết theo thể loại Tạp chí khoa học (5 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 15 giải Khuyến khích); 30 giải dành cho bài viết theo thể loại Báo điện tử (3 giải A, 5 giải B, 7 giải C, 15 giải Khuyến khích).

Ngoài ra, Ban tổ chức còn lựa chọn 10 cá nhân là đoàn viên, thanh niên trong hệ thống Học viện và sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có bài viết chất lượng lọt vào vòng chung khảo để trao giải triển vọng.

(Theo VOV)