Văn Yên chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/10/2021 | 7:45:53 AM

YênBái - Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến số lượng lao động mất việc, thất nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động góp phần xóa đói giảm nghèo nên huyện Văn Yên triển khai thực hiện nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp với thực tiễn nhằm tạo việc làm mới giúp người lao động trên địa bàn có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Các lớp học nghề, giúp cho người lao động có việc làm, tạo thu nhập ổn định.
Các lớp học nghề, giúp cho người lao động có việc làm, tạo thu nhập ổn định.

Anh Hoàng Văn Hiếu ở xã Xuân Ái - chủ cơ sở sản xuất kim khí Hiếu Phương. Cơ sở của anh được mở vào đầu năm 2021, sau khi anh tham gia lớp dạy nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Xưởng có diện tích 200 m2, chuyên sản xuất gia công sắt thép như: làm cửa sắt, cổng sắt mỹ thuật… 

Anh Hiếu chia sẻ: "Trước kia, vợ chồng tôi không có việc làm ổn định, chủ yếu đi làm thuê kiếm sống. Năm 2020, do dịch Covid-19 công việc ít, nên vợ chồng tôi về quê. Đang loay hoay tìm hướng làm kinh tế, tôi được cán bộ xã tư vấn học nghề. Nhận thấy nhu cầu của người dân lớn, trong khi tại địa phương có ít cơ sở sản xuất kim khí. Do đó, tôi tham gia lớp kỹ thuật hàn gò. Từ xưởng sản xuất kim khí, đã mang nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và còn tạo việc làm cho 2 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng”. 

Gia đình chị Nguyễn Hoài Thương, thôn Thống Nhất, xã Yên Hợp từng là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Để có thu nhập, chị Thương đi làm công nhân tại Bắc Giang và đầu năm 2020 chị về quê. Với số vốn tích lũy được, cùng với số tiền 30 triệu đồng vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Yên ủy thác cho Đoàn Thanh niên theo chương trình cho vay giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, chị đầu tư trồng rau an toàn, nuôi lợn. 

Mỗi năm chị Thương, nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa 15 con và chăm sóc gần 1 ha rau. Hiện, cuộc sống của gia đình chị Thương ổn định từ thu nhập trồng rau, nuôi lợn. Anh Hiếu, chị Thương là 2 trong số hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện Văn Yên được giúp giải quyết việc làm ổn định cuộc sống. 

Bà Nguyễn Thị Thiên - Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Văn Yên cho biết: Thời gian qua, công tác tư vấn, giải quyết việc làm của huyện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặc dù huyện có nhiều nỗ lực khắc phục, nhưng nhìn chung chưa đạt kết quả như mong muốn”. 

Để khắc phục khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm, Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động huyện năm 2021. Phòng tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề tại các doanh nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn. 

Ngoài ra, tham mưu giúp UBND huyện ban hành Quyết định phê duyệt đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đợt 1 với 8 lớp nghề cho 240 lao động, đợt 2 là 18 lớp nghề cho 540 lao động. Đôn đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, các xã, thị trấn tuyển sinh và mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Đến nay, Văn Yên đã mở 9 lớp nghề cho 270 lao động. Phòng phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Trong 9 tháng năm 2021, Văn Yên đã giải quyết việc làm cho 2.079 lao động, đạt 77% kế hoạch năm của huyện, đạt 81,52% kế hoạch của tỉnh; 721 lao động được chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 80,11% kế hoạch năm của huyện và 81,01% kế hoạch của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,78%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 32,50%.

Để hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho gần 2.700 lao động trong năm 2021, thời gian tới, huyện Văn Yên tăng cường tuyên truyền đến người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động. Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người trong độ tuổi lao động, nhất là lao động thuộc gia đình chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, diện di dời giải tỏa, không còn đất sản xuất. 

Đổi mới, tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án sản xuất, kinh doanh của người dân được tiếp cận nguồn vốn vay để thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Thu Hiền