Yên Bái hướng đến phát triển “Xanh” - Bài 2: Để phát triển “Xanh” thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/10/2021 | 7:46:17 AM

YênBái - Nếu phát triển kinh tế - xã hội không gắn với kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững của tỉnh Yên Bái.

Vận chuyển sản phẩm sau chế biến ở Công ty cổ phần Quốc tế khoáng chất công nghiệp Việt Nam.
Vận chuyển sản phẩm sau chế biến ở Công ty cổ phần Quốc tế khoáng chất công nghiệp Việt Nam.


Vào khoảng tháng 11/2020, người dân trên địa bàn các tuyến đường từ Km 14 đến vòng xuyến Km 13 đường Hương Lý, đường Văn Chính… thuộc địa bàn các tổ 10, 11, 12, 13 thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình bức xúc khi thường xuyên phải chịu ảnh hưởng không nhỏ của bụi bẩn do các đơn vị sản xuất, kinh doanh và chủ các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa không chấp hành quy định. 

Đến khoảng tháng 3/2021, người dân thôn Làng Mới, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình cũng bày tỏ nỗi bức xúc của mình khi nhiều năm qua phải sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng, từ tiếng ồn cho tới cảnh quan môi trường. 

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xuất phát từ quá trình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, công ty, nhà máy trên địa bàn; sự lơi lỏng trong quản lý của các cơ quan chức năng địa phương. Trong đó, tập trung vào các nhà máy sản xuất xi măng, bột đá và hoạt động vận chuyển tại một số điểm tập kết cát trong khu vực thị trấn. 

Đã có một số giải pháp được đưa ra như: Yên Bình tổ chức "Ngày thứ Bảy cùng dân", dọn vệ sinh môi trường; các cơ quan chuyên môn làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng trong khu vực, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về tốc độ, phủ bạt che đối với xe chở vật liệu xây dựng... Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/02/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021-2025. Theo đó, với ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. 

Ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cần tăng cường đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Ngành công nghiệp sản xuất điện, truyền tải điện định hướng phát triển theo hướng khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất điện mới, sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, điện áp mái, điện sinh khối, điện khí sinh học). 

Chỉ xem xét, chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án thủy điện nhỏ có quy mô công suất từ 10 MW trở lên, đảm bảo không tác động lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, không sử dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế cao. Đây là định hướng quan trọng giúp tỉnh, các địa phương cụ thể hóa chủ trương phát triển "Xanh”, bền vững của tỉnh. 

Để phát triển kinh tế "Xanh” sẽ phải vượt qua không ít thách thức như: thói quen sản xuất, tiêu dùng ít thân thiện môi trường; sự thiếu thốn, lạc hậu của hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện có mà việc thay thế không thể thực hiện một sớm một chiều; bất cập trong công tác quản lý nhà nước như: năng lực bộ máy còn hạn chế, sự thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao trong công tác quy hoạch; ý thức của doanh nghiệp, người dân chưa đáp ứng…, đòi hỏi sự đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực, sự chung tay của tất cả các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. 

Đồng chí Trần Nhật Tân - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết: "Huyện ủy Trấn Yên đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025” và Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp huyện Trấn Yên theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tạo đột phá cho phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025”. 

Huyện Trấn Yên đã xác định hệ thống giải pháp quan trọng như: huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh để xây dựng huyện Trấn Yên theo hướng phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc"; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường; giảm tỷ trọng ngành khai thác, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo gắn với đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường. 

Tận dụng lợi thế hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch; quan tâm phát triển đồng bộ, toàn diện văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sự hài lòng và hạnh phúc cho nhân dân. 

"Trấn Yên coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thiên tai - xem đây là vấn đề sống còn đối với mỗi người dân và quá trình phát triển của huyện” - đồng chí Trần Nhật Tân nhấn mạnh. 

Với mục tiêu phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030 thì mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. 

Để khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường cần xác định rõ vấn đề này không phải chỉ là trách nhiệm của một ngành, một địa phương cụ thể mà phải có sự tham gia, chung tay của tất cả các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và toàn thể người dân. 

 

Sản xuất ván ép ở Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình). 

Theo đồng chí Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái, để thực hiện được định hướng phát triển "Xanh” trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, tổ chức đoàn thể cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao, phân công trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và tại các đề án về công tác bảo vệ môi trường đã được tỉnh ban hành. 

Theo đó, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần tiếp tục tham mưu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội từ tỉnh đến cơ sở, từ doanh nghiệp đến người dân về nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. 

Cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, phát thải carbon thấp; công nghệ thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh. 

Cần chú trọng phát huy vai trò các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh và vai trò cộng đồng trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế xanh. Ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thân thiện với môi trường, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ cho mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ các công nghệ lạc hậu... 

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc lập và chấp hành các yêu cầu theo báo cáo đánh giá tác động môi trường; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, nhất là việc xả chất thải ra ngoài môi trường. Yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp phải có đầy đủ thủ tục hồ sơ, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường...

Chú trọng đến phát triển "Xanh” có nghĩa, Yên Bái định hướng sự phát triển dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự hài hòa trong phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. 

Lựa chọn và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất để vừa cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Việc lựa chọn công nghệ phải được thực hiện không chỉ bởi các nhà đầu tư, mà trước hết bởi các nhà quản lý ngay trong giai đoạn thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án, bảo đảm không cho đưa vào sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường hoặc từ chối chấp nhận đầu tư những dự án thuộc lĩnh vực có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. 

Thành Trung