Phát hiện hóa thạch loài cá sứt môi vảy sườn lâu đời nhất thế giới tại Vân Nam, Trung Quốc

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/10/2021 | 10:06:58 AM

Mới đây, nhóm nghiên cứu của chuyên gia Từ Quang Huy thuộc Viện nghiên cứu động vật có xương sống cổ đại và người cổ đại trực thuộc Viện nghiên cứu khoa học Trung Quốc đã khai quật được hóa thạch loài cá sứt môi vảy sườn lâu đời nhất thế giới với niên đại cách đây 244 triệu năm thuộc kỷ Trias tại Lạc Bình, Vân Nam (Trung Quốc).

Nhà nghiên cứu Từ Quang Huy và mảnh hóa thạch cá sứt môi vảy sườn. (Ảnh: Chinanews).
Nhà nghiên cứu Từ Quang Huy và mảnh hóa thạch cá sứt môi vảy sườn. (Ảnh: Chinanews).

Nghiên cứu lần này đã phá kỷ lục cũ khoảng 2 triệu năm về việc phát hiện loài cá sứt môi vảy sườn sớm nhất. Loài cá này được phát hiện lần đầu tiên tại châu Á nên còn được gọi là cá sứt môi vảy sườn châu Á.

Theo ông Từ Quang Huy, loài cá sứt môi vảy sườn châu Á được phát hiện lần này là loài quý hiếm trong quần thể sinh vật Lạc Bình có niên đại cách đây 244 triệu năm. Nhóm nghiên cứu đã dành hơn 10 năm ở Lạc Bình để khảo sát thực địa. 

Cho đến nay, chỉ tìm thấy 3 hóa thạch của loài cá cổ đại này. Chúng đều được bảo quản rất tốt và các đặc điểm hình thái của chúng có thể được phục hồi hoàn toàn, điều này giúp cung cấp thông tin quan trọng cho việc nghiên cứu mối quan hệ giữa hình thái học xương và sự phát sinh loài của họ cá sứt môi vảy sườn.



Phát hiện hóa thạch loài cá sứt môi vảy sườn lâu đời nhất thế giới tại Vân Nam, Trung Quốc -
3 mảnh hóa thạch duy nhất tìm được. (Ảnh: Chinanews) 

Theo Viện nghiên cứu động vật có xương sống cổ đại và người cổ đại, khoảng 250 triệu năm trước, một vụ tuyệt chủng lớn đã xảy ra vào cuối kỷ Permi. Để tìm hiểu quá trình tái tạo sinh thái tiếp theo của kỷ Trias, nhóm nghiên cứu của ông Từ Quang Huy trong 10 năm liền đã nghiên cứu liên tục về địa tầng biển trong kỷ Trias ở vùng Vân Nam - Quý Châu, Trung Quốc, và phát hiện được 21 hóa thạch động vật có xương sống dưới nước.

Cá sứt môi vảy sườn châu Á là loài cá ăn thịt nhỏ, sống ở vùng nước nông. Nó có thể ăn một số động vật không xương sống nhỏ có vỏ cứng như tôm.

Kết quả nghiên cứu này giúp phân loại loài cá sứt môi vảy sườn, đồng thời có ý nghĩa to lớn trong việc tìm hiểu sự tiến hóa ban đầu và địa lý sinh học của cá sứt môi vảy sườn thuộc kỷ Trias.

(Theo nhandan)