Chuyển mình Khau Thán

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/11/2021 | 7:40:50 AM

YênBái - Khau Thán thuộc thôn Nước Nóng, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là một trong ba đỉnh núi tạo nên thung lũng Tú Lệ. Trên đỉnh Khau Thán có 34 nóc nhà với 252 nhân khẩu người Mông sinh sống đã nhiều đời nhờ canh tác nương rẫy.

Đàn bò của ông Hoàng Văn Yếng chăn thả tự nhiên trên đỉnh Khau Thán.
Đàn bò của ông Hoàng Văn Yếng chăn thả tự nhiên trên đỉnh Khau Thán.

Những ngày cuối tháng 10, cùng Trưởng thôn Nước Nóng - ông Hoàng Văn Yếng lên Khau Thán mới thấy được cuộc sống gian nan của người dân nơi đây, mặc dù thôn chỉ cách trung tâm xã Tú Lệ 3 km.

Ông Yếng cho biết: "Khau Thán có 34 hộ thì có đến 28 hộ nghèo. Cái nghèo ở Khau Thán có nhiều nguyên nhân: điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là còn tồn tại nhiều hủ tục…”. 

Được biết, mùa đông ở Khau Thán rất lạnh, kéo dài 3 tháng thường xuyên có băng giá, việc canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa hàng năm. Do vậy, hơn chục héc - ta lúa nước người dân chỉ canh tác được 1 vụ và đủ lương thực cho nửa thôn. Phần lớn người dân ít có cơ hội được tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, dẫn đến việc chăn nuôi vốn là thế mạnh nhưng lại khó phát triển và năm nào cũng có dịch bệnh. 

Gia đình Bà Thào Thị Mú là hộ phát triển chăn nuôi sớm nhất ở Khau Thán và đã tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm nhưng năm nào cũng có gia súc chết do dịch bệnh. Chúng tôi đến thăm gia đình bà Mú trong thời điểm bà đang lo lắng cho đàn lợn nái khi lợn mẹ đang bị bệnh mấy hôm nay.

Bà Mú cho biết: "Tôi cũng không rõ đàn lợn bị bệnh gì. Nó ốm đã mấy hôm, không ăn mà cứ nằm đó thôi!”. Bên cạnh những hạn chế về khoa học, kỹ thuật thì những hủ tục trong việc cưới, việc tang chưa được xóa bỏ triệt để đã khiến cho cuộc sống của người dân vốn đã khó lại càng khó khăn hơn. Cụ thể như đám tang ở Khau Thán thường kéo dài 3 ngày và người đến viếng thường mang lợn, gà đến viếng, chủ nhà sẽ mổ rồi chia một phần cho người mang đến. Vì thế, mỗi đám tang, số lượng gia súc bị giết mổ khá lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế hộ gia đình. Việc sinh nhiều con cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến cái nghèo đeo bám người dân. 

Anh Lý A Chu - đảng viên phụ trách khu Khau Thán là người có ít con thì cũng là 7 đứa. Anh Chu cho biết: "Hộ đông con nhất ở đây là hộ ông Lý A Trống, có 16 người con, còn trung bình mỗi hộ có 7 - 11 người con”.

Gia đình ông Trống có ít đất sản xuất, cuộc sống của hai vợ chồng phụ thuộc vào chăn nuôi, làm nương và làm thuê. Thế nhưng, 16 đứa con ra đời liên tục khiến hai vợ chồng ông luôn trong tình trạng "nuôi con mọn”. 

Bởi thế, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào công đi làm thuê của ông Trống vừa phải nuôi 16 miệng ăn vừa phải lo cho các con đi học. 

Ông Trống cho biết: "Dù không phải đóng tiền học phí, nhưng tiền sách vở, bút thước cũng tốn rất nhiều. Giờ thì nhà đã xuống cấp nghiêm trọng rồi. Trời nắng thì đỡ lo chứ trời mưa là dột, gió lớn cũng lo vì cột nhà đã mục. Trong nhà cũng không có gì đáng giá, bởi làm được bao nhiêu cũng hết”. 

Bên cạnh những khó khăn đó, vẫn còn một vấn đề nan giải ở Khau Thán chưa thể giải quyết dứt điểm trong nhiều năm qua, ấy là chỉ có 4/34 hộ dân ở đây được cấp sổ đỏ. 

Được biết, những hộ di cư đến Khau Thán từ nhiều năm trước vốn là di cư tự do, tự khai hoang làm nhà vào khu vực rừng phòng hộ; do vậy, không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Việc không có sổ đỏ cũng hạn chế rất nhiều đến vấn đề vay vốn đầu tư phát triển kinh tế của người dân vùng khó khăn này. 

Trước những vấn đề đặt ra ở Khau Thán, Đảng ủy xã Tú Lệ đã có nhiều giải pháp tăng cường sự lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. 

Bí thư Đảng ủy xã Bùi Thị Doan cho biết: "Điều kiện tự nhiên ở Khau Thán tuy khắc nghiệt nhưng cũng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây đặc sản như: đào rừng, măng sặt. Tới đây, khi đổ bê tông xong tuyến đường, chúng tôi sẽ vận động người dân tập trung vệ sinh môi trường, đưa giống đào Lùng Cúng - một loại đào rừng thích hợp với điều kiện tự nhiên ở Khau Thán về trồng vừa làm cảnh quan vừa làm kinh tế rất hiệu quả”. 



Cây măng sặt khá phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Khau Thán. 

Gia đình bà Thào Thị Mú ngoài chăn nuôi đại gia súc cũng đang trồng 100 gốc đào, hàng năm thu trên 15 triệu đồng từ bán đào dịp tết. Bà Mú cho biết: "Vùng quanh đây có nhiều loại đào, nhưng chỉ có giống đào ở Lùng Cúng là hợp nhất và hoa nở đúng dịp tết”. 

Điều kiện tự nhiên ở Khau Thán tuy khắc nghiệt nhưng một số loại gia súc vẫn phát triển tốt. Trưởng thôn Hoàng Văn Yếng là người đi đầu trong việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Năm 1996, ông Yếng bắt đầu mô hình nuôi bò trên đỉnh Khau Thán khi nhận thấy có nhiều bãi chăn thả cỏ mọc tự nhiên, tươi tốt. 

Do không có thời gian chăn dắt, ông Yếng mỗi ngày chỉ đem muối lên cho bò ăn, tránh việc bò đi ăn xa không tìm về được. Đàn bò của ông Yếng được làm quen với môi trường tự nhiên nên có sức đề kháng tốt, bộ lông dày chịu được lạnh nên ít khi bị chết rét hoặc dịch bệnh. Đến nay, đàn bò ông Yếng đã có trên 50 con. Học tập ông Yếng, nhiều người dân Khau Thán cũng bắt đầu chăn nuôi trâu, bò; trong đó, có đảng viên Lý A Chư có 7 con trâu, một đàn lợn nái. 

Gia đình bà Thào Thị Mú có 8 con trâu, bò và hơn 100 gốc đào rừng. Đến nay, 34 hộ dân ở Khau Thán nhà nào cũng có 1 - 2 con trâu, bò. Để giúp người dân từ bỏ những thói quen, tập quán canh tác lạc hậu, UBND xã Tú Lệ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, từng bước đưa khoa học, kỹ thuật đến người dân.

Gia đình chị Lý A Di có 0,5 ha đất trồng ngô, vụ thu hoạch vừa qua cũng cho thu về hơn 2 tấn ngô hạt. Chị Di cho biết: "Trước đây, mình chỉ tra hạt rồi đợi đến ngày thu hoạch. Khi được cán bộ hướng dẫn, mình đem phân gia súc bón cho cây, định kỳ làm cỏ, kiểm tra sâu bệnh nên những vụ ngô gần đây thu về nhiều hơn trước”. 

Đời sống người dân tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã có nhiều đổi mới. Đặc biệt, khi Tú Lệ có chủ trương làm đường bê tông lên Khau Thán và người dân sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức. 

Bí thư Chi bộ thôn Nước Nóng - ông Lự Văn Hải cho biết: "Tuyến đường lên Khau Thán nay đã chuẩn bị đầy đủ và bắt đầu đổ bê tông từ cuối tháng 10/2021 và dự kiến hoàn thành sau 1 tháng nếu thời tiết thuận lợi, không mưa. Lên Khau Thán khi đó cũng chỉ mất vài phút thôi”. 

Nếu như trước đây cuộc sống của bà con luôn rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa thì giờ đây bà con không bỏ ruộng đi làm nương, không phát rừng làm nương rẫy, không di cư tự do mà ổn định cuộc sống để yên tâm, lao động sản xuất, làm ra ngô, lúa phục vụ đời sống gia đình. 

Đến Khau Thán vào những ngày cuối năm, được thấy cuộc sống mới trong mỗi nếp nhà, mỗi gia đình đang hiện rõ trên gương mặt của người dân trong thôn. Bà con đã quen với tập quán cấy lúa nước, trồng ngô và biết đưa rau vào trồng để cải thiện cuộc sống. Hầu hết các hộ đều chăn nuôi gia súc để làm sức kéo phục vụ sản xuất, nên cuộc sống đang từng ngày đổi thay.

Chia tay Khau Thán trong niềm vui chung của hơn ba chục hộ dân là thôn đã có thêm dự án đầu tư lưới điện đang được triển khai. Có đường, có điện, người dân sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch - một cuộc sống mới đang hồi sinh và bừng sáng trên đỉnh Khau Thán trong một ngày không xa.

Anh Dũng