Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" ở Yên Bái: Ý thức từ mỗi chủ thể

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/11/2021 | 2:03:52 PM

YênBái - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Yên Bái từ khi triển khai thực hiện đến nay đã thu được những kết quả khả quan, tích cực. Kết quả đó thể hiện một quá trình chung sức, hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành chức năng, các địa phương, đồng thời cho thấy ý thức, nỗ lực thật sự của các chủ thể sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP Yên Bái. (Ảnh minh họa)
Sản phẩm OCOP Yên Bái. (Ảnh minh họa)

Nỗ lực của các chủ thể sản phẩm OCOP được khẳng định thông qua số lượng các sản phẩm OCOP đạt chuẩn hàng năm theo đánh giá của tỉnh. Hành trình của những sản phẩm OCOP đã đạt chuẩn, những sản phẩm OCOP đang tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn đều được nhìn nhận, đánh giá khách quan. 

Điều đó nhằm giúp các chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng có thể học hỏi những kinh nghiệm, bài học quý trong quá trình thực hiện. Tại những buổi hội thảo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về thực hiện Chương trình OCOP, ở vị trí, vai trò trực tiếp tham gia khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP, những người làm công tác chuyên môn có một số đánh giá, nhận xét hết sức cụ thể cần được các chủ thể lưu ý.

Vấn đề thứ nhất về tên sản phẩm cần được quan tâm hơn nữa. Thực tế có một số sản phẩm đặt tên chưa phù hợp như đặt tên theo 1 sản phẩm đã có, đã nổi tiếng trên thị trường. Hoặc nữa là cách đặt tên còn gây ra sự hoài nghi cho người tiêu dùng, khách hàng về tác dụng, hiệu quả, chất lượng của sản phẩm đó. 

Tên sản phẩm cũng phải gắn liền, có mối quan hệ mật thiết với câu chuyện sản phẩm. Chủ thể sản phẩm cần hiểu rõ, biết rõ rằng điều quan trọng nhất của câu chuyện sản phẩm chính là điểm nổi trội của sản phẩm mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mình sản xuất ra so với các sản phẩm khác. 

Vấn đề thứ hai, cần phải quan tâm tính toán hết sức cụ thể, rõ ràng về giá thành, giá niêm yết sản phẩm trên thị trường. Điểm yếu này cũng cần phải được khắc phục triệt để vì giá thành sản phẩm như thế nào sẽ mang tính chất quyết định giúp các chủ thể có lợi nhuận tốt nhất, có nguồn vốn tái đầu tư sản xuất hiệu quả nhất. 

Như vậy, các chủ thể sản phẩm cần phải quan tâm tính toán kỹ lưỡng và học hỏi từ những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có kinh nghiệm để xây dựng giá thành sản phẩm chính xác cho từng khâu bán lẻ, bán buôn. 

Vấn đề thứ ba, các chủ thể sản phẩm phải chú trọng làm tốt công tác kết nối thị trường. Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại của các cơ quan chức năng thì các chủ thể cần quan tâm thực hiện việc kết nối với các tư thương, các cơ sở bán hàng trên địa bàn tỉnh. 

Hiện nay, xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ và có lợi thế là thông qua các mạng xã hội như zalo, facebook để đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Một kênh đang được các ngành chức năng, các địa phương thực hiện là kết nối với các gian hàng, các điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và trên toàn quốc. 

Có được một sản phẩm đạt chuẩn OCOP, ngoài hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, các địa phương thì nỗ lực của mỗi chủ thể sản phẩm đóng vai trò quyết định. Với mong muốn và khát vọng đưa sản phẩm OCOP vươn xa, mỗi chủ thể cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, nỗ lực với quyết tâm cao nhất và với cả tâm huyết dành cho sản phẩm.    

Nguyễn Thơm