Ngăn chặn tội phạm giết người vì nguyên nhân xã hội

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/11/2021 | 10:50:40 AM

YênBái - Những năm trở lại đây, lực lượng công an đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm tấn công trấn áp các loại tội phạm nên số vụ phạm pháp, đặc biệt là tội phạm về trật tự xã hội giảm dần. Tuy nhiên, số vụ giết người vì nguyên nhân xã hội vẫn xảy ra, nhiều vụ án có nguyên nhân chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phía sau những bản án nghiêm khắc của pháp luật là những câu chuyện đau lòng, khiến chúng ta không khỏi day dứt. Vừa mới đây, N vẫn là một người nông dân hiền lành, chịu khó, chưa lời qua, tiếng lại với bất kỳ ai. Vậy mà, N lại dùng dao truy sát đến cùng người hàng xóm chỉ vì họ lấn sang nương quế của mình có vài mét. 

Khi đã tra tay vào còng số tám, N vẫn không hiểu vì sao mình lại hành động hung hãn đến vậy. Hối hận đã muộn màng, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt bơ phờ vì quá lo sợ. Hai người vợ giờ thì người mất chồng, người nuôi chồng trong trại. Con thơ từ nay sẽ thiếu hẳn người cha chăm sóc và dạy bảo. 

Cuộc sống vốn bình yên, không có trộm cướp hoành hành, không có những loại tội phạm có tổ chức theo kiểu xã hội đen, giết người máu lạnh có chủ tâm, có mục đích, được tính toán và chuẩn bị kỹ càng trước khi ra tay sát hại nhưng đâu đó vẫn có những thảm án chỉ xuất phát từ một phút nóng vội, thiếu kiềm chế, những hành động mang tính bột phát của những người vốn dĩ hiền lành và lương thiện.

Án mạng xảy ra, tình hình an ninh trật tự không thể nói là tốt và trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng công an. Tuy nhiên, muốn ngăn chặn được vụ án có nguyên nhân xã hội thì cả xã hội cần chung tay, góp sức của các ngành chức năng và toàn xã hội. 

Quan điểm của Bộ Công an trong công tác phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội là phát huy vai trò của hệ thống chính trị; trong đó, chú trọng kết hợp giữa phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục với đấu tranh trấn áp, điều tra xử lý. Lấy phòng ngừa, giáo dục là chính, coi trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình, nhà trường và cơ sở.

Nếu một người được sống trong gia đình hạnh phúc, được yêu thương, chăm sóc, được dạy bảo cẩn thận; được giáo dục tốt, đặc biệt là giáo dục pháp luật thì ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là lối ứng xử văn hóa, văn minh… sẽ sớm hình thành. 

Vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở và các hòa giải viên cũng cần được nhìn nhận đúng và có giải pháp phát huy. Nếu những mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ và khu dân cư sớm được phát hiện và được người có trách nhiệm, có kiến thức, có kỹ năng, có uy tín phân tích có lý, có tình, bằng lời hơn, lẽ thiệt thì chắc chắn việc bé sẽ không xé ra to, việc to bỗng nhỏ lại, những cái đầu nóng sẽ nguội dần, để rồi những vụ xô xát, những án mạng sẽ giảm dần và không diễn ra.

Lực lượng công an - những chiến sĩ nòng cốt trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, song song với việc xây dựng, nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; cần lấy những vụ án xô xát, giết người có nguyên nhân xã hội… làm bài học kinh nghiệm cho dân trong công tác ứng xử, giải quyết mâu thuẫn đối với gia đình, dòng họ, xóm làng; cần làm tốt công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Cần khắc phục một cách căn bản, vững chắc nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội; kiềm chế sự gia tăng về tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại của tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, kéo giảm tình trạng giết người thân trong gia đình, giết nhiều người cùng lúc và giết người với thủ đoạn dã man.  

Lê Phiên