Những điểm mấu chốt trong nghị quyết lịch sử Trung Quốc

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2021 | 2:30:02 PM

Toàn văn nghị quyết Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa công bố điểm lại lịch sử trăm năm, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của ông Tập với tương lai đất nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/10.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/10.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 16/11 công bố toàn văn "nghị quyết lịch sử" vừa được Hội nghị Trung ương 6 của đảng Cộng sản nước này (CPP) thông qua. Nghị quyết đã điểm lại các dấu mốc lịch sử của CCP, từ thời kỳ khởi đầu nhiều biến động tới kế hoạch của Tập Cận Bình nhằm đưa vị thế đất nước thành một cường quốc toàn cầu.

Đây là nghị quyết lịch sử thứ ba được CCP thông qua từ khi thành lập, sau văn kiện năm 1945 của Mao Trạch Đông nhằm xác lập mục tiêu của đảng, cùng "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay" năm 1981 của Đặng Tiểu Bình.

Nghị quyết 36.000 chữ này do các quan chức hàng đầu đất nước soạn thảo, gồm 7 chương, trong đó 4 chương đầu tiên dành để điểm lại lịch sử "phấn đấu trăm năm" của đảng CCP, từ thời kỳ Trung Quốc đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến, thành lập đảng Cộng sản, giành chính quyền cho tới các giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước sau này.

Các chương này không chỉ tập trung vào thành công của CCP trong 100 năm qua, mà cũng đề cập đến một số sai sót của đảng, trong đó coi chiến dịch Đại Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt là "những sai lầm lớn về chính sách". Nghị quyết cho rằng CCP đã bảo vệ được "lợi ích căn bản của người dân" trước "bất ổn chính trị nghiêm trọng" ở Trung Quốc năm 1989, nhưng không đề cập đến biểu tình Thiên An Môn.

Chương thứ 5, 6 trình bày ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ "lịch sử phấn đấu trăm năm" của CCP, trong đó nhấn mạnh CCP đã "làm thay đổi tận gốc tiền đề và vận mệnh của nhân dân Trung Quốc", mở ra "con đường phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa". Chương 7 vạch ra lộ trình tư tưởng để đảng tiếp tục dẫn dắt đất nước trong thời đại mới.

Nổi bật trong các nội dung này là vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình, khẳng định "Trung ương đảng với hạt nhân là đồng chí Tập Cận Bình trù tính chung và nắm bắt toàn cục chiến lược phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa". Trong toàn văn nghị quyết, ông Tập được nhắc tới 22 lần, trong khi cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông ở vị trí thứ hai với 18 lần.

Trong khi đó, những người tiền nhiệm gần nhất của ông Tập là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân chỉ được nhắc đến một lần.

Vai trò lãnh đạo của ông Tập tiếp tục được nhấn mạnh khi nghị quyết khẳng định "kiên quyết bảo vệ địa vị hạt nhân trong Trung ương và toàn đảng của đồng chí Tập Cận Bình".

Giới quan sát cho rằng nghị quyết này góp phần củng cố thêm quyền lực của ông Tập bằng cách đề cao vị trí "hạt nhân" của ông trong đảng và ca ngợi ông đã dẫn dắt Trung Quốc thành một cường quốc trên thế giới.

Adam Ni, biên tập viên của trang web chính sách Trung Quốc China Neican, nhận định nội dung nghị quyết cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người duy nhất có khả năng tiếp nối di sản của Mao Trạch Đông, so với các lãnh đạo ở giữa thời kỳ "mở cửa và cải cách" trước ông.

Tuy nhiên, nghị quyết không trao cho ông Tập những danh hiệu cao quý như "người lái tàu vĩ đại" thời Mao Trạch Đông hay bất kỳ chức danh khác biệt nào so với trước đây.

Willy Lam, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, đánh giá động thái này dường như nhằm duy trì và củng cố đoàn kết nội bộ trong CCP, trước thềm đại hội đảng toàn quốc vào năm sau.

Toàn văn nghị quyết được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải chỉ vài giờ sau khi ông Tập kết thúc hội nghị trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nơi Đài Loan trở thành vấn đề thảo luận nóng nhất.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, tuyên bố có thể dùng vũ lực nếu cần thiết. Nghị quyết nêu rõ ông Tập là kiến trúc sư trưởng của chiến lược "giải quyết vấn đề Đài Loan" hiện nay và Trung Quốc sẽ không bao giờ xa rời mục tiêu lâu dài là "thống nhất Đài Loan trong hòa bình".

"Trung Quốc kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc và 'Nhận thức chung năm 1992', kiên quyết phản đối hành vi chia rẽ 'Đài Loan độc lập', kiên quyết phản đối sự can thiệp của thế lực bên ngoài, nắm vững quyền chủ đạo và quyền chủ động trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. Thời và thế thống nhất hoàn toàn đất nước trước sau như một đứng về phía ta", nghị quyết có đoạn.

Nghị quyết cũng lưu ý rằng những thành tựu mà ông Tập đạt được sẽ giúp đảm bảo sự trường tồn của CPP, dẫn chứng bằng "chiến thắng áp đảo" của chiến dịch chống tham nhũng do ông khởi xướng, đã "loại bỏ hoàn toàn những nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng đối với đảng, đất nước và quân đội".

Nghị quyết cũng liệt kê tăng trưởng kinh tế, môi trường, hiện đại hóa quân đội, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại là những lĩnh vực thành công then chốt khác.

Sáng kiến "thịnh vượng chung" của ông Tập nhằm giảm bớt bất bình đẳng kinh tế được đề cập đến như một mục tiêu phải hoàn thành vào năm 2049.

Theo Holly Snape, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Glasgow, nghị quyết này tiếp tục củng cố không chỉ quyền lực của ông Tập mà còn cả vai trò lãnh đạo đất nước của CCP trong tương lai. "Nó bám sát cách thức hoạt động của đảng đã phát triển trong thập kỷ qua và hơn thế nữa", bà cho hay.

Về kinh tế, nghị quyết khẳng định Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn tăng trưởng với tốc độ cao sang phát triển chất lượng cao, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu khác như đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường.

Nghị quyết cho rằng sự phát triển của nền kinh tế "không thể đơn giản đánh giá bằng mức tăng trưởng GDP, mà cần phải thực hiện phát triển chất lượng cao", đồng thời củng cố và phát triển nền kinh tế công hữu, khuyến khích, ủng hộ, hướng dẫn sự phát triển của nền kinh tế tư nhân. Phát triển "khả năng tự lực" về công nghệ của đất nước được coi như một mục tiêu kinh tế chiến lược.

Một số mục tiêu khác được nêu trong nghị quyết gồm duy trì thịnh vượng ở Hong Kong và Macau cũng như cải cách sâu rộng, mở cửa, thúc đẩy thịnh vượng chung.

Trong khi nghị quyết mới cam kết tiếp tục các chính sách "cải cách và mở cửa", nó cũng lưu ý rằng xã hội Trung Quốc đang xuất hiện "những xu hướng tư tưởng sai lầm như tôn thờ tiền bạc, chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân cực đoan".

Văn kiện này cho rằng vấn nạn tham nhũng, tha hóa có thể được giải quyết bằng cách quản lý chặt chẽ hơn về tư tưởng và thúc đẩy "niềm tin" văn hóa, đồng thời lưu ý Trung Quốc dưới thời ông Tập đã giải quyết được nhiều vấn đề dài hạn.

Trong phần kết thúc, nghị quyết kêu gọi toàn đảng, toàn quân, nhân dân Trung Quốc "đoàn kết chặt chẽ hơn xung quanh Trung ương đảng với đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân" để hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa", cho rằng CCP sẽ tiếp tục giành nhiều thành tựu hơn "trên hành trình mới trong thời đại mới".

(Theo VnExpress)