Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái: Hình thành chuỗi giá trị cây thuốc nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/11/2021 | 1:58:08 PM

YênBái - Những năm qua, với việc triển khai Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YEN BAI CDSH) đã tổ chức nhiều hoạt động giúp người dân vùng dự án xây dựng thành công chuỗi giá trị cho cây dược liệu, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập.

Người dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên chăm sóc cây cà gai leo.
Người dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên chăm sóc cây cà gai leo.

Gia đình bà Hà Thị Thoa ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên có gần 2.000 m2 trồng cà gai leo từ đầu năm 2020. Tuy diện tích không lớn nhưng nhờ được hướng dẫn tỉ mỉ và thực hiện đúng kỹ thuật nên cây cà gai leo phát triển rất tốt. Theo bà Thoa, vì đây là cây dùng để làm thuốc nên nếu được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ quyết định lớn đến hàm lượng chất có trong cây và sản lượng thân lá thu hoạch, từ đó tác động trực tiếp đến thu nhập từ loại cây này đối với gia đình. 

BàThoa cho biết: "Tham gia vào Dự án, gia đình tôi được hỗ trợ một phần cây giống, được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, được kết nối bao tiêu nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Đến nay, cây cà gai leo đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt; mỗi năm thu hoạch 3 vụ, năng suất đạt 0,7 tấn cây khô/vụ. Với giá bán là 30.000 đồng/kg, gia đình tôi thu nhập 60 triệu đồng/năm từ giống cây này, cao gấp 2 - 3 lần trồng ngô, sắn trên cùng một đơn vị diện tích”. 

Gia đình bà Thoa là 1 trong 52 hộ gia đình trồng cây cà gai leo tại các xã: Cảm Ân, Bảo Ái (huyện Yên Bình); xã Đông Cuông, Mậu Đông, huyện Văn Yên tham gia và nhận được hỗ trợ từ Dự án với tổng diện tích gần 6 ha. 

Từ những hỗ trợ của Dự án, người dân trồng dược liệu và doanh nghiệp thu mua, chế biến dược liệu đã nâng cao nhận thức, thái độ và thực hành đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Dược liệu được trồng bằng kỹ thuật tiên tiến, không sử dụng hóa chất, phát triển theo chuỗi giá trị để cho ra đời những sản phẩm sạch, có hiệu quả cao với sức khỏe của người tiêu dùng. 

Là đơn vị ký kết xây dựng vùng nguyên liệu với các hộ tham gia Dự án, anh Phạm Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn cho biết: "Nguyên liệu sau khi được thu mua sẽ qua hệ thống dây chuyền máy móc để cắt, chặt, sấy khô và tinh chế thành dạng cao đặc và cao khô cà gai leo. Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng có mẫu mã đa dạng đủ sức cạnh tranh trên thị trường, bao bì hợp quy và có tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm cao đặc cà gai leo cũng vinh dự được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Văn Yên”.

Từ những hỗ trợ của Dự án, một chuỗi giá trị cây cà gai leo đã được hình thành khép kín. Tiếp nối thành công của chuỗi giá trị này, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ thiết lập chuỗi giá trị cây thuốc nam mới. Dự án đã mời các chuyên gia khảo sát thực địa và nhu cầu của người dân, từ đó đề xuất hỗ trợ xây dựng thêm 2 mô hình chuỗi giá trị đối với cây khôi nhung tại xã Xuân Long, huyện Yên Bình và cây lá gan tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. 

Trung tâm đã thành lập và duy trì các nhóm sở thích, các mô hình trồng vùng nguyên liệu cho chuỗi giá trị cây thuốc; tổ chức các lớp tập huấn về thực hành đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị; đề xuất nhà tài trợ xây dựng lò sấy dược liệu bằng hơi nhiệt cho chuỗi khôi nhung và máy nấu cao cho cây lá gan. 

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng, thu hái, kết nối với các doanh nghiệp để thu mua dược liệu cho người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về kế hoạch kinh doanh, liên kết thị trường, định hướng phát triển sản phẩm, định vị thương hiệu với rất nhiều hoạt động như tập huấn, hội thảo, thực địa và trang thiết bị…

Hoài Anh