Quang Minh- nơi niềm tin, ước mong và hành động

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/11/2021 | 1:50:35 PM

YênBái - 5 km từ trụ sở UBND xã Quang Minh, huyện Văn Yên vào đến thác nước Minh Khai thuộc thôn Minh Khai là một cung đường xanh. Những sân ngô vàng óng hong thỏa thuê trong nắng.

Thác nước Minh Khai.
Thác nước Minh Khai.

Ông Bàn Văn Hiên - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch sinh thái cộng đồng thôn Minh Khai chẳng khác nào một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Ông có thể trả lời cho mọi câu hỏi nếu muốn biết về mảnh đất này, nhất là thôn Minh Khai - nơi ông sinh sống và lớn lên. Đoạn đường đất 450 m dẫn vào Nhà cộng đồng và thác nước Minh Khai được Nhà nước hỗ trợ 74 tấn xi măng đang chuẩn bị đổ bê tông. Nheo mắt ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trước Nhà cộng đồng cũng là lúc bên tai đã nghe tiếng thác đổ. 

Ông Hiên bảo: "Đây, cô xem, ngôi nhà sàn gỗ này có phòng tắm, phòng thay đồ và đường lên do tôi cùng với thành viên của Tổ hợp tác đã đầu tư từ cuối năm ngoái, trị giá gần 700 triệu đồng”. 

Thành lập ngày 1/7, ra mắt Tổ hợp tác ngày 18/9/2021, sự kiện này không chỉ đánh dấu mốc hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021 của Đảng ủy, UBND xã Quang Minh mà còn hết sức đáng nhớ đối với bản thân ông Hiên. Nếu như với địa phương là hoàn thành 1 chỉ tiêu nhiệm vụ của năm thì với ông Hiên là thỏa mãn mong ước bấy nay. 

Sinh ra ở nơi đây, lớn lên cũng nơi đây, cuộc sống khấm khá như bây giờ đều nhờ vào mảnh đất nơi đây, thôn Minh Khai với ông như mạch nguồn, cội rễ cây quế cắm sâu cắm bền vào lòng đất. Khoảng chục năm trước đây, để ý thấy có những người từ nơi khác tìm đến thôn mình tắm thác đã nảy ra ý tưởng trong ông về việc tổ chức khai thác hoạt động du lịch. 

Từ manh nha cho tới hôm nay là một chặng đường dài và cũng phải tới một thời điểm thích hợp mới có thể trở thành hiện thực: "Nói thật là tôi cũng chỉ nghĩ sẽ tự mở rộng con đường đất cho khách thuận lợi đi đến đây ngắm thác, tắm thác mà thôi. Thuận lợi nhất là với chủ trương, định hướng rồi có nghị quyết của xã về việc thành lập tổ hợp tác du lịch nên tôi đã đầu tư làm ngôi nhà cộng đồng này với một số hạng mục khác, trước hết để phục vụ những bước đi đầu tiên”, ông Hiên nói rõ hơn. Ngày ra mắt, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã hỗ trợ Tổ hợp tác 8 bộ bàn và đệm ngồi, các biển báo chỉ đường, các thùng rác trị giá 15 triệu đồng. 

Chính thức đi vào hoạt động từ buổi ra mắt cũng đã vào độ giữa thu, thời tiết thật dễ chịu nhưng cũng không phải mùa thuận lợi nhất để tắm thác. Hỏi ông Hiên về điều đó thì nhận được câu trả lời: "Chính xác không phải lúc thích hợp đón khách đến ngắm thác, tắm thác đâu. Nhưng mà từ hôm ấy đến nay, cứ túc tắc mỗi ngày bình quân cũng được hai mâm cơm khách đặt ăn khi đến ngắm thác, ngắm cảnh. Chi phí cũng đủ tiền thuê cho mấy người nấu ăn, phục vụ, lợi nhuận thì cũng có chút chút”. 

Hiện nay, có quy định là du khách không được tự nấu ăn ở cả vị trí của 2 thác mà Tổ hợp tác sẽ cho mượn đồ để khách có thể nấu ăn tại bếp của Nhà cộng đồng hoặc thuê Tổ hợp tác nấu ăn hoặc đặt mua thực phẩm của Tổ hợp tác. Điều này sẽ giúp cho việc quản lý, bảo vệ môi trường cảnh quan tại thác nước đảm bảo hiệu quả tốt nhất. 

Nội quy hoạt động của Tổ hợp tác chặt chẽ, bài bản là có lý do như ông Hiên chia sẻ: "Tôi đã được cùng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đi tham quan một số nơi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ở suối nước nóng huyện Trạm Tấu thì tôi học được cách làm nhà cộng đồng, ở thác Vân Hội của huyện Trấn Yên thì học được cách xây dựng nội quy và mức thu phí, ở bình nguyên xanh Khai Trung của huyện Lục Yên thì học được cách làm cầu thang”. 



Ngày ra mắt Tổ hợp tác Du lịch sinh thái cộng đồng thôn Minh Khai, xã Quang Minh. 

Ông cũng tự so sánh những điểm mạnh, điểm yếu của thác nước Minh Khai khi đưa vào hoạt động khai thác để có sự điều chỉnh phù hợp. Để đến với thác nước này, nếu từ trung tâm huyện Văn Yên đến thẳng nơi đây thì cũng chỉ khoảng 22 km, toàn đường nhựa và bê tông rất dễ đi. Mọi điều kiện tự nhiên ở 2 thác đưa vào hoạt động cũng không cần phải đầu tư quá nhiều. 

Nữa là khu vực đất xung quanh khu thác nước này lại thuộc quyền sở hữu sử dụng của một thành viên trong Tổ hợp tác nên việc mở rộng sau này sẽ thuận lợi nhiều. Nếu so sánh cảnh quan, cảnh thác thì cũng thật sự khó vì mỗi nơi mỗi vẻ và tùy sở thích của mỗi du khách. 

Cả 2 thác mỗi lần tắm có thể được 100 người, có chỗ phù hợp với người già và trẻ em, có chỗ phù hợp với thanh niên. Bãi để xe trước Nhà cộng đồng có sức chứa 15 ô tô 5 chỗ và 30 xe máy, đường lên sẽ hoàn thành đổ bê tông trong nay mai. Đội văn nghệ thôn có 8 người có thể múa, hát phục vụ yêu cầu của du khách.

Ngay bên Nhà cộng đồng, thác 1 tung 2 dòng tuôn trắng với điểm tắm đủ cho 50 người mà già, trẻ đều tắm được vì độ sâu vừa phải và không phải trèo. Thác 2 cách thác 1 chừng 100 m lên đồi cao hơn. Ông Hiên cho biết sẽ làm bậc thang để khách dễ đi hơn, đỡ mỏi hơn. Từ thác 1 lên thác 2 cũng đơn giản, không khó vì địa hình không hiểm trở. Nếu thác dưới có cảm giác thanh bình thì thác trên mang đến cảm giác hùng vĩ. 

Những tán lá sảng xanh mát, xòe bóng, rung rinh trong tiếng thác reo như niềm vui không dứt. Những tảng đá rộng bằng phẳng có thể seo-phì ngập nắng, tràn gió. Tiếng chim véo von, nắng xiên kẽ lá, không gian trong lành, thư thái lâng lâng. 

Thế mới hiểu vì sao dù không phải mùa hè thì vẫn có người đến ngắm thác, chơi thác là vậy. Nguồn nước đổ từ đầu nguồn về thác 2 rồi về thác 1 uốn lượn theo những tảng đá to nhỏ muôn hình vừa có gì rất êm đềm lại vừa có gì rất mãnh liệt. Cứ tưởng tượng là mùa hè thì chắc chắn dòng thác xỏa tung trắng xóa, lung linh sắc màu vồng của một tấm rèm nước treo tận trên cao rồi buông xuống. 

"Dòng nước này trong lành lắm vì bắt nguồn từ nơi mà đồng bào Dao trồng quế đấy mà!” - ông Hiên cho hay.

 Cảnh thác, tình người càng thấy ý tưởng, tầm nhìn cùng niềm tin, quyết tâm của  ông Hiên khi đã nhận ra tiềm năng, thế mạnh và đầu tư khai thác hoạt động du lịch nơi thác nước này. Dự định cho một mùa khai thác sẽ bắt đầu từ mùa hè sang năm với rất nhiều việc cần làm tiếp theo là mở thêm dịch vụ xông, tắm thuốc nam của dân tộc Dao đỏ và kết nạp thêm 3 thành viên vào Tổ hợp tác. Họ đều là người của thôn Minh Khai mình cả. 

Là một trong số những người có ý định tham gia Tổ hợp tác, ông Triệu Văn Lý nói rõ quan điểm: "Tôi nghĩ sẽ có thu nhập ổn định, lâu dài vì tin vào hiệu quả mô hình này. Cũng rất thuận lợi bởi nhà tôi có đất rừng, có ao, có mảnh ruộng ngay cạnh Nhà cộng đồng của Tổ hợp tác. Hiện giờ tôi cũng đã đầu tư làm 1 nhà sàn, làm 1 nhà kê lợp mái cọ cũng như sẽ mở rộng quy mô nuôi gà, cá để phục vụ du khách”.

Nhà ông Lý nằm bên con đường dẫn vào thác nước nên ông bảo cứ mỗi ngày theo dõi lượng khách đi ô tô, xe máy vào đây chơi, ngắm cảnh, chụp ảnh, đặt ăn… là biết hiệu quả sẽ ra sao, không có gì xa xôi mà dễ thấy.

Là chia sẻ của ông Hiên: "Tôi có niềm tin sẽ thành công với hiệu quả hoạt động của mô hình này. Ưu thế được thiên nhiên ban tặng cùng công sức, đầu tư của con người sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho con người. Có một điều chúng tôi luôn luôn tâm niệm phải nhất định giữ cho được môi trường cảnh quan thác nước để mọi người được biết đến lâu dài và được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác nước Minh Khai”. 

Nguyễn Thơm