Trấn Yên đột phá trong phát triển kinh tế tập thể

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/12/2021 | 7:37:55 AM

YênBái - Theo ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, những năm gần đây, các mô hình kinh tế tập thể ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Đến nay, Trấn Yên có 75 hợp tác xã, gần 700 tổ hợp tác.

Lãnh đạo xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Trần Gia Viễn (bên phải) ở thôn Khe Ngang, xã Hưng Khánh là thành viên HTX Thanh long ruột đỏ Hưng Khánh.
Lãnh đạo xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Trần Gia Viễn (bên phải) ở thôn Khe Ngang, xã Hưng Khánh là thành viên HTX Thanh long ruột đỏ Hưng Khánh.

Nhiều năm lăn lộn với nghề trồng cây ăn quả, nhưng kinh tế mãi không khấm khá do sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ không ổn định đã khiến anh Mai Ngọc Tình, thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh ấp ủ ý tưởng thành lập  hợp tác xã (HTX để các hộ nông dân liên kết với nhau tiến tới sản xuất hàng hóa tập trung.

Theo đó, tháng 8/2019, HTX Cây ăn quả Hưng Thịnh chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với 12 thành viên. Các thành viên đã liên kết với nhau sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao trên diện tích 36 ha; trong đó, có 15 ha bưởi Diễn, 5 ha chanh và 16 ha quýt Đường canh. 

Anh Mai Ngọc Tình - Giám đốc HTX cho biết: "Từ khi đi vào hoạt động, HTX luôn được các cấp, ngành quan tâm, ủng hộ; thường xuyên hỗ trợ về kỹ thuật; tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn và tham quan học hỏi một số mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. HTX hiện có 2 sản phẩm là quýt Đường canh, bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Năm nay, HTX dự kiến thu được trên 300 tấn quả các loại, thu nhập trung bình của mỗi thành viên ước đạt trên 200 triệu đồng. Thời gian tới, HTX có hướng phát triển thêm thành viên và đưa toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX cũng như một số hộ lân cận trồng theo quy trình VietGAP để giữ vững uy tín trên thị trường”.

Thực tế cho thấy, việc thành lập các HTX ở Trấn Yên đều gắn với những định hướng, quy hoạch cụ thể dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Điều này, không chỉ tạo thuận lợi cho xây dựng, thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mà còn nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân. 

Đơn cử như tại xã Hưng Khánh, trên cơ sở quy hoạch vùng trồng thanh long tập trung tại thôn Khe Ngang, chính quyền địa phương đã vận động thành lập HTX Thanh long ruột đỏ Hưng Khánh để tạo thuận lợi cho việc trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm. 

Anh Trần Minh Quyết - Giám đốc HTX Thanh long ruột đỏ Hưng Khánh cho biết: "Việc thành lập HTX nhằm giúp cho các thành viên đưa quả thanh long tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị kinh tế. Hoạt động sản xuất của các thành viên phải đảm bảo quy trình trồng thanh long an toàn, từng bước đưa thanh long trở thành cây ăn quả mang thương hiệu có giá trị của xã Hưng Khánh. Hiện, các thành viên HTX đang hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu sớm đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, kết nạp thêm thành viên và đưa các giống thanh long ruột vàng đặc sản vào sản xuất, tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng để loại quả này trở thành nông sản có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững”.

Qua rà soát, đến nay, huyện Trấn Yên có 75 HTX với trên 800 thành viên và gần 700 tổ hợp tác (THT) với gần 4.000 thành viên. Các HTX, THT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản như: trồng và khai thác, chế biến chè, trồng, khai thác và chế biến gỗ, quế, keo, măng tre Bát độ, hoa, cây cảnh; nuôi cá, thương mại vận tải, vật liệu xây dựng… 

Theo ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, những năm gần đây, các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Các HTX từng bước được củng cố, đổi mới, hoạt động có hiệu quả, góp phần huy động vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. 

Đến nay, các HTX có tổng số vốn điều lệ 111,208 tỷ đồng với doanh thu trung bình đạt trên 1 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong HTX đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm; bình quân mỗi năm các HTX, THT đã giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và giảm nghèo bền vững cho người dân. 

Đặc biệt, nhiều HTX, THT sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết với các thành viên, doanh nghiệp, nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, điển hình như: HTX Quế hồi Việt Nam ở xã Đào Thịnh, HTX Miến đao xã Quy Mông, HTX Dịch vụ tổng hợp xã Kiên Thành, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ ở xã Minh Quán, HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, HTX Dâu tằm Việt Thành…

Xác định kinh tế tập thể, liên kết sẽ đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế, giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, nhất là đối với HTX, THT gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phấn đấu xây dựng, phát triển HTX hiệu quả, ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững; sản xuất gắn với chế biến và ứng dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật mới tiên tiến, tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng mang tính đặc thù của địa phương...
Hùng Cường