Yên Bái chủ động thực hiện chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/12/2021 | 7:35:05 AM

YênBái - Để triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79 ngày 31/3/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thành phố Yên Bái đã đưa Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố vào vận hành, khai thác.
Thành phố Yên Bái đã đưa Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố vào vận hành, khai thác.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phát chiến lược thực hiện định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động triển khai thực hiện chuyển đổi số quốc gia. 

Đối với Yên Bái, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước tham gia, phát triển môi trường số.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển với tốc độ rất nhanh trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt từ khi bùng nổ đại dịch Covid-19, mọi hoạt động giao thương không còn như truyền thống thì chuyển đổi số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp có sức chống chịu tốt hơn. 

Ông Trương Ngọc Biên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết: "Từ năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và trong nước, để duy trì và đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, một mặt, Công ty chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch theo chỉ thị của Chính phủ, của tỉnh, mặt khác nhanh chóng tiếp cận công nghệ thông tin: giao thương, kết nối, hợp tác, kinh doanh thông qua không gian mạng, giao dịch điện tử. Từ đó, duy trì, ổn định thị trường truyền thống đồng thời tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh”. 

Nhờ đó, tuy vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định. Dự ước, năm 2021, doanh thu 450 tỷ đồng (bằng 100% kế hoạch), nộp ngân sách 30 tỷ đồng (bằng 100% phát sinh), thu nhập bình quân người lao động đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng.

Trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thời gian qua, lực lượng thanh niên trên địa bàn tỉnh luôn chủ động đi đầu trong kinh doanh hình thức dịch vụ mới như: thương mại điện tử, dạy học online… dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. 

"Việc chuyển đổi số được triển khai bước đầu có hiệu quả, đặc biệt trong đổi mới công tác giáo dục của Đoàn. Các cấp bộ Đoàn đã chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền thông qua các cuộc thi trực tuyến trên nhiều nền tảng mạng xã hội; triển khai việc giáo dục trực quan qua các ứng dụng, phần mềm do tổ chức Đoàn xây dựng. Môi trường số được các cấp bộ Đoàn khai thác hiệu quả trong nắm bắt tư tưởng, dư luận của đoàn viên thanh niên; trong áp dụng triển khai công việc trực tuyến, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay” - Bí thư Tỉnh đoàn Đoàn Thị Thanh Tâm cho biết. 

"Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Hội” là một trong hai khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XVI đề ra. 

Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, tổ chức hội phụ nữ sẽ thực hiện đa dạng hóa các hình thức và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức hoạt động hội, nhất là trong cơ quan chuyên trách hội các cấp; tăng cường phân cấp, phân quyền, phản ứng nhanh, hiệu quả với các vấn đề của phụ nữ. Các cấp hội tích cực vận động để đến cuối nhiệm kỳ 100% cơ sở hội có máy tính làm việc, 100% cán bộ hội cơ sở sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản phục vụ công tác Hội.

Với mục tiêu đưa thành phố trở thành đơn vị tiên phong đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử; nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thành phố và phục vụ người dân tiếp cận với các tiện ích đô thị thông minh, thành phố Yên Bái đã xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC), được ra mắt từ 9/10/2021. 

Trung tâm IOC thành phố Yên Bái được triển khai thực hiện trong lộ trình từ năm 2021 đến 2025 và được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2021) thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng lắp đặt phòng điều hành, đầu tư trang thiết bị phụ trợ thiết bị, công nghệ, nhân lực vận hành Trung tâm; đưa vào khai thác, sử dụng một số hạng mục dữ liệu về kinh tế - xã hôi, đất đai, quy hoạch, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, tình hình dân cư, an ninh trật tự…  

Trung tâm IOC thành phố đã hoàn thành giai đoạn 1 với tiêu chuẩn về kỹ thuật, trang bị nội thất, thiết bị phụ trợ đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Giai đoạn 1, Trung tâm sử dụng hệ thống phần mềm lõi vận hành, chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu cơ bản cho 11 phân hệ dịch vụ. 

Có thể nói, đây là một trong những thành phần cốt lõi của cơ sở hạ tầng chuyển đổi số thành phố Yên Bái, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp nhằm góp phần đẩy nhanh mục tiêu xây dựng thành công chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số. 

Trung tâm IOC thành phố sẽ được kết nối với Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tỉnh Yên Bái (sau khi Trung tâm điều hành tỉnh được vận hành) để chia sẻ, tiếp nhận thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý điều hành của tỉnh, thành phố. 

Để vận hành và khai thác Trung tâm IOC hiệu quả, thành phố sẽ tiếp tục đưa hệ thống vào khai thác vận hành và sử dụng dữ liệu trên hệ thống làm kênh dữ liệu chính thống trong việc điều hành chỉ đạo các hoạt động của thành phố; tiếp tục thực hiện lộ trình hoàn thiện Trung tâm giai đoạn 2, giai đoạn 3; thực hiện lộ trình chuyển đổi số thành phố và từng bước tích hợp các ứng dụng, nguồn dữ liệu hình thành trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của thành phố vào Trung tâm Giám sát, điều hành, trong đó quy định rõ các ứng dụng, dữ liệu được sinh ra trong quá trình chuyển đổi số sẽ bắt buộc được tích hợp vào Trung tâm IOC. 

Đối với tỉnh Yên Bái, việc định hướng, thiết lập và đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng  nền kinh tế số, xã hội số, đưa tỉnh Yên Bái phát triển bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa nội dung này vào Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Để triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79 ngày 31/3/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Kế hoạch đề ra mục tiêu đó là xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an toàn thông tin trong hệ thống chính trị, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, cải thiện mối liên kết giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao sự hài lòng, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. 

Tiếp đó, ngày 5/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 159 về triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh. 

Mục tiêu đến hết năm 2021 sẽ cung cấp 46% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đủ điều kiện) phục vụ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng (854/1.855) dịch vụ công, gồm: cấp tỉnh 726 dịch vụ, cấp huyện 103 dịch vụ, cấp xã 25 dịch vụ, tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Tại Kỳ họp thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Yên Bái cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phấn đấu thứ hạng của Yên Bái vào nhóm 30/36 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; tiếp tục phấn đấu nâng thứ hạng của Yên Bái trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) hàng năm. 

Từ đó, tỉnh đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn dân về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ngày 26/10, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình hành động số 15 thực hiện Nghị quyết số 51. Theo đó, một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số là: y tế; giáo dục; nông nghiệp; lĩnh vực kế hoạch, tài chính, ngân hàng; giao thông vận tải và logistics; tài nguyên - môi trường; sản xuất công nghiệp, năng lượng, thương mại; du lịch, với phương châm "Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả” tập trung mọi nguồn lực thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra.


Thu Hạnh