Yên Bái: Công an xã thêm trách nhiệm kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/12/2021 | 2:01:12 PM

YênBái - Với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, việc điều động lực lượng công an chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã đã được tỉnh Yên Bái và các địa phương trong cả nước triển khai; trong đó, tỉnh Yên Bái là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện thành công chủ trương này.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Văn Yên tham gia “Ngày thứ Bảy cùng dân”.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Văn Yên tham gia “Ngày thứ Bảy cùng dân”.

Hiện, công an xã chính quy là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Thực tiễn cho thấy, tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại khu vực nông thôn đã và đang có những dấu hiệu phức tạp với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu công nghiệp nằm trên địa bàn các xã, tập trung số lượng lớn công nhân. Kèm theo đó là các dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí đi kèm; tại vùng sâu, vùng xa, những vấn đề về an ninh xã hội, an ninh quốc gia, an ninh vùng dân tộc, tôn giáo, những vụ việc nảy sinh trong nội bộ nhân dân như tranh chấp đất đai, tài sản… dẫn đến xô xát, đặc biệt là xảy ra những vụ án mạng… 

Tình hình ANTT tại khu vực nông thôn là như vậy, tuy nhiên, khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như công an phường, thị trấn, đồn công an. 

Điều này dẫn đến tình trạng công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy, không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho cơ quan điều tra công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 

Vì vậy, tại khoản 1, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an). 

Cụ thể, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. 

Điều 44, Bộ luật Tố tụng hình sự, quy định trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an. Trong đó, trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật và giải ngay người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.

Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn - Đội trưởng Đội Xây dựng Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an huyện Trấn Yên nhận xét: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện công tác đảm bảo ANTT, tăng cường quản lý nhà nước về ANTT trên địa bàn, xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…, lực lượng công an xã phải làm trực tiếp hầu hết công việc mà các lực lượng giao cho, từ đảm bảo giao thông, trật tự; tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo tội phạm... 

"Chính vì vậy, việc giao cho công an xã xác minh tin tố giác, tin báo tội phạm là rất cần thiết, phù hợp với thực tế công tác. Đồng bào tin tưởng và nghe theo lực lượng công an, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện ngay việc cung cấp thông tin cho cán bộ công an thông qua số điện thoại, zalo an ninh... Từ đó, Công an xã cử cán bộ xuống xác minh và xử lý kịp thời có ý nghĩa hết sức quan trọng" - Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ. 

Theo quy định cũ, công an xã không có thẩm quyền, phải báo cáo cho cấp trên để xử lý, trong khi vụ việc lại ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, khoảng cách cả chục, cả trăm cây số thì rất có thể vụ việc đã diễn biến rất xấu hoặc ít nhất là khó khăn, cản trở trong quá trình điều tra, xử lý.

Tuy vậy, việc tăng thẩm quyền cho lực lượng công an xã cần đi kèm với việc tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cần rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức, tác phong… của đội ngũ cán bộ công an xã, nhất là vị trí trưởng, phó công an xã một cách chặt chẽ, nghiêm túc.

Từ đó bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm sao cho phù hợp, tránh tình trạng non yếu về chuyên môn nghiệp vụ, xử lý tình huống không tốt, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc, đặc biệt là vi phạm pháp luật làm mất uy tín của lực lượng công an. 

Lê Phiên