Cảm Nhân giữ vững chất lượng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/12/2021 | 7:43:25 AM

YênBái - Là xã vùng xa của huyện Yên Bình, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Cảm Nhân gặp không ít khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển. Song, đến nay, Cảm Nhân đã trở thành xã NTM. Kết quả này là sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Người dân trong xã Cảm Nhân đến tham quan mô hình phát triển kinh tế của Hợp tác xã Chăn nuôi trâu, bò Chúc Liên.
Người dân trong xã Cảm Nhân đến tham quan mô hình phát triển kinh tế của Hợp tác xã Chăn nuôi trâu, bò Chúc Liên.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cảm Nhân: để giúp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, xã đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng về XDNTM; tuyên truyền nội dung đồ án, đề án quy hoạch XDNTM cấp xã; phát động Phong trào thi đua "Chung sức XDNTM” tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ thực hiện đúng phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nên phong trào "Chung sức XDNTM” đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân địa phương. 

Theo đó, cùng với việc tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công để mở rộng các tuyến đường giao thông liên thôn, nhân dân xã Cảm Nhân còn tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm "sáng - xanh - sạch - đẹp”; xây dựng các tuyến đường điện "Thắp sáng đường quê”; xây dựng gia đình văn hóa; chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm nghiệp.

Hiện, xã có 29 mô hình chăn nuôi hàng hóa gồm: 15 mô hình chăn nuôi lợn, 1 mô chăn nuôi gia cầm, 11 mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên; 2 mô hình chăn nuôi dê… Dự ước năm 2021, thu nhập từ chăn nuôi đạt trên 31 tỷ đồng. 

Phát huy lợi thế được giao quản lý trên 125 ha nước mặt hồ Thác Bà, Cảm Nhân đã phát triển nghề chăn nuôi thủy sản mang lại hiệu quả. Toàn xã hiện có trên 20 lồng cá; sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 ước đạt trên 77 tấn, thu nhập đạt 4.446,65 triệu đồng. 

Giai đoạn 2016 - 2020, xã Cảm Nhân đã tham gia thực hiện Dự án "Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo huyện Yên Bình” với diện tích 131,9 ha và Dự án "Phát triển sản xuất gỗ ván dán và viên nén liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ bạch đàn, bồ đề và phụ phẩm gỗ keo” với diện tích 25 ha. 

Việc triển khai các dự án đã góp phần thúc đẩy nghề trồng rừng ở Cảm Nhân phát triển. Năm 2021, nhân dân xã Cảm Nhân trồng mới 153 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 10.710 m3, dự ước thu nhập đạt 35.114,31 triệu đồng… Bằng những cách làm hiệu quả, linh hoạt trong XDNTM, đến nay, bộ mặt nông thôn xã Cảm Nhân đã có nhiều đổi thay rõ nét. Trong đó, xã đã xây dựng được nhà văn hóa có sức chứa trên 300 chỗ ngồi, 2 sân thể thao ở thôn Phạ 1 và thôn Kéo Sa, 13/13 thôn có nhà văn hóa và sân thể thao. 

Hệ thống "điện - đường - trường - trạm” được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu và sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh của nhân dân. Hiện, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 88,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 2,39%; số hộ gia đình văn hóa  đạt trên 85%...

Để giữ vững và  nâng cao chất lượng các tiêu chí XDNTM, thời gian tới, xã Cảm Nhân sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến kênh mương nội đồng, nâng cấp các tuyến đường điện vào "vùng lõm” để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng; xây mới các nhà văn hóa nằm ở các vị trí phù hợp sau sáp nhập thôn; nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào địa phương, chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và các hợp tác xã nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; khuyến khích người dân sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao; vận động các nguồn lực xã hội trong công tác giảm nghèo của địa phương; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho lao động nông thôn...                                                                                                    
Hồng Oanh