Yên Bái: Cải cách hành chính 2022 - đồng bộ trên 6 lĩnh vực

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/12/2021 | 7:43:30 AM

YênBái - Trong những năm gần đây, xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC), Yên Bái đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Qua đó đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho phát triển bền vững năm 2022 và những năm tiếp theo.

Cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng Yên Bái vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP, đạt 7,11%, cao hơn so với cùng kỳ 1,66%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản đạt 23,17%, công nghiệp - xây dựng 31%; dịch vụ 41,33%... 

Đạt được kết quả đó có sự chỉ đạo, điều hành sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các cấp, các địa phương; sự đồng lòng của người dân Yên Bái và đóng góp không nhỏ từ công tác CCHC. Yên Bái xác định CCHC là một trong 3 khâu đột phá chiến lược và là một trong những công cụ quan trọng, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội. 

CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, từng bước hướng đến xây dựng một nền hành chính trong sạch, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội hiện đại, công khai, minh bạch, thuận tiện, thông suốt hiệu quả. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và xã hội làm thước đo hiệu quả trong CCHC.

 Trong năm, có 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ trên 50%, có 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn với Đề án đô thị thông minh, kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, dịch vụ công trực tuyến. 

Để tiếp tục phát huy và thực hiện hiệu quả CCHC trong năm 2022, tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. 

Tăng cường trách nhiệm các ban, sở, ngành, UBND các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh liên thông trong giải quyết TTHC, gắn CCHC với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… 

Thực hiện đồng bộ công tác CCHC, duy trì và nâng cao Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX), phấn đấu nâng từ 2 bậc trở lên so với năm 2021. Nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt trên 90%. Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện hiệu quả Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), phấn đấu 50% các chỉ số thành phần được đánh giá từ trung bình cao trở lên so với năm 2021. 

Cụ thể hóa bằng xây dựng kế hoạch cụ thể và sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm theo 6 nội dung của công tác CCHC giai đoạn 2021 - 2025. Thông tin tuyên truyền điểm đột phá, sáng tạo, mô hình mới, cách làm hay, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực, trì trệ, những vướng mắc trong quá trình thực hiện CCHC. 

Trong cải cách thể chế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp tình hình thực tế, đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Rà soát các văn bản các cấp kịp thời phát hiện, xử lý những văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp quy định. Công bố đầy đủ, kịp thời danh mục TTHC, công bố TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ… công khai trên cổng Dịch vụ công Quốc gia. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã; rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các TTHC để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. 

Nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản đi và đến được xử lý theo quy trình đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 45%; người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần và tối thiểu 89% người dân, doanh nghiệp hài lòng về TTHC. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng cấp tỉnh đạt 84%, cấp huyện 68%, cấp xã 42%. 

Phấn đấu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạnh điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng… giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC xuống trung bình tối đa là 15 phút/1 lần giao dịch, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ. Hoàn thiện và phát huy hiệu quả Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái. 

Kế hoạch, giải pháp, lộ trình bước đi cụ thể cái chính, cái mấu chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt.
Ngọc Trúc