Khát vọng Lùng Cúng

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/1/2022 | 7:34:12 AM

YênBái - Như đã hẹn, đầu tháng 12, chúng tôi lên bản Lùng Cúng - một trong số 11 bản khó khăn và xa nhất của xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải - nơi được nhiều du khách miền xuôi lên ví là Sa Pa thứ 2 của Việt Nam, bởi khí hậu quanh năm mát mẻ.

Vụ mới trên bản Lùng Cúng.
Vụ mới trên bản Lùng Cúng.

Vượt qua con đường vòng vèo với nhiều đoạn dốc đứng, khúc khuỷu, rồi lộn qua nhiều đồi, khe suối với tổng chiều dài gần 24 km, mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt ở bản Lùng Cúng, còn gọi là bản "3 không” (không điện lưới quốc gia, không đường ô tô, không sóng điện thoại), để chứng kiến sự đổi thay của cuộc sống nơi đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Thào A Cu  chia sẻ: Thế giới đang ở thời đại 4.0 rồi mà đời sống của nhân dân ở đây vẫn thiếu 3 điều kiện căn bản nhất đó là điện, đường, sóng điện thoại. Thế nhưng người dân Lùng Cúng vẫn một lòng vững tin vào các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện tích cực khai hoang mở rộng diện tích ruộng nước, phát triển chăn nuôi, trồng rừng kinh tế; đoàn kết chung sức xây dựng bản làng ấm no, tiến bộ. 

Bên bếp lửa, ông Lù Sú Rùa ngoài 70 tuổi - một trong số già làng ở bản cho biết: Lùng Cúng bây giờ là 2 bản sáp nhập lại gồm Lùng Cúng (cũ) và Phình Ngài. Trước đây, cả 2 bản cộng lại chỉ có gần 100 nóc nhà thì có đến 80% gia đình có người nghiện thuốc phiện. Riêng ruộng nước lúc đó cũng đã khai hoang được khoảng 70% so với diện tích hiện tại đang gieo cấy, thế nhưng vì thời tiết lạnh giá, chỉ cấy 1 vụ/năm bằng giống địa phương, chưa biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm bón, tất cả đều phó mặc cho tự nhiên nên năng suất thấp, dẫn đến nhiều nhà trong bản lâm vào cảnh thiếu đói. 

Cũng vì đói, đời sống khó khăn và tệ nạn nghiện ngập đã khiến nhiều người ở bản Lùng Cúng phải bỏ nhà, rời quê đi tìm đất làm kinh tế mới ở dưới vùng thấp thuộc huyện Văn Bàn (Lào Cai) và Văn Yên (Yên Bái). 

Vẻ mặt trầm ngâm, ông Rùa kể: "Nhà tôi cũng không ngoại lệ, khi đó đông con, ruộng đất nhiều mà năng suất thấp nên mỗi năm thiếu đói giáp hạt từ 2 đến 3 tháng. Thế rồi tôi cho 3 đứa con trai xuống xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên để mua đất khai hoang ruộng nước, làm kinh tế. Cũng nhờ những cuộc du canh, du cư, có sự giao thoa với các địa phương vùng thấp, với người Kinh, người Tày, rồi học hỏi kỹ thuật chăm bón, thâm canh lúa nước, chuyển đổi giống và cũng nhờ thời tiết, nhiệt độ ấm hơn nên canh tác lúa nước ở bản Lùng Cúng ngày càng năng suất hơn. Hiện nay, ruộng nước của gia đình tôi ngoài phần đã chia cho các con ra ở riêng thì tôi giữ lại gần 1 mẫu, tuy mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ nhưng cũng cho thu về trên 40 bao thóc, đảm bảo thóc ăn”. 

Hơn chục năm làm trưởng bản, ông Chang Sông Của - Trưởng bản Lùng Cúng chia sẻ thêm: "Xác định nguyên nhân đói nghèo còn do tỷ lệ người nghiện thuốc phiện cao nên chúng tôi tích cực tuyên truyền nhân dân xoá bỏ cây thuốc phiện, không trồng, không mua bán tàng trữ, không hút. Từ sự quyết liệt của bản, sự ủng hộ của người dân và cũng may mắn hơn là người nghiện ở bản Lùng Cúng trước đây chủ yếu là hút thuốc "đen”, cai thành công cao. Hiện nay, Lùng Cúng chỉ còn 3 người nghiện đều ở tuổi 40 đến 50”. 

Nằm trọn trong lòng chảo rộng hàng nghìn héc-ta, bản Lùng Cúng có cánh đồng rộng hơn 70 ha, bao quanh là những cánh rừng sơn tra, rừng thông, rừng tự nhiên phòng hộ. Bản Lùng Cúng hiện có tổng diện tích ruộng nước 79 ha, trên 730 ha rừng trồng, rừng tự nhiên phòng hộ gần 1.800 ha; diện tích cây sơn tra được bà con tích cực trồng, trông coi bảo vệ tốt vì lợi ích của cả bản và từng hộ. Cả bản Lùng Cúng hiện có trên 200 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. 

Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và huyện, đồng bào Mông bản Lùng Cúng đã có nhiều đổi mới từ tư duy đến hành động. Nguyên Bí thư Chi bộ Chang A Dờ thông tin: "Hiện bản đã có gần chục người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, trong đó có 4 người trình độ đại học, còn lại là trung cấp, cao đẳng và 4 cháu còn đang theo học cao đẳng nghề và một số cháu học THPT. Hiện trong bản cũng có 2 người tham gia công tác ở xã, một cán bộ đang công tác trong quân đội...”. 

Tuy là bản cách xa trung tâm xã, lại không điện lưới quốc gia, không đường ô tô, không sóng điện thoại, nhưng Lùng Cúng lại có nhiều tiềm năng về kinh tế. Trong đó, triển vọng nhất là kinh tế rừng với cây thảo quả, cây sơn tra là thế mạnh. Đặc biệt là tiềm năng du lịch sinh thái khám phá đỉnh Lùng Cúng kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm cuộc sống, văn hoá, truyền thống, phong cảnh của lòng chảo Lùng Cúng. 



Khách du lịch trải nghiệm và khám phá đỉnh Lùng Cúng. 

Phó Chủ tịch UBND xã Thào A Cu khẳng định: Xét về tiềm lực kinh tế thì bản Lùng Cúng tốt hơn so với các bản khác. Dù thời tiết lạnh chỉ cấy một vụ/năm nhưng dân ít, ruộng lại nhiều nên hiện nay 95% số hộ có ruộng đủ thóc gạo ăn quanh năm. Theo tiêu chuẩn mới về hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo ở Lùng Cúng vẫn còn cao 170/200 hộ cuối năm 2021. Song, nhiều hộ đã biết tính toán, phát triển kinh tế hàng hoá. 

Hiện ở bản Lùng Cúng, một số hộ đã đầu tư mua được 7 máy xúc về làm dịch vụ; hàng chục hộ chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên trên hộ; nhiều hộ có điều kiện về đất đai trồng, chăm sóc hàng chục héc-ta sơn tra... Dân bản đoàn kết cùng đóng góp công sức, tiền của mở rộng đường giao thông về bản đảm bảo 100% hộ đi được xe máy đến nhà; đã có 4/24 km đường trục chính được Nhà nước đầu tư bê tông tiêu chuẩn, 6 km bê tông đường đặc thù, góp phần quan trọng giúp nhân dân đi lại thuận lợi hơn.

Lùng Cúng đã có nhiều hộ có kinh tế khá giả. Người già, người trẻ trong bản không sa vào nghiện thuốc phiện, ma túy. Trẻ em được đến trường học chữ... 

Đó là chuyện vui, là sự đổi thay tiến bộ. Song xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống, nhất là trước tiềm năng du lịch rộng mở với đỉnh Lùng Cúng cao 2.913m so với mực nước biển, có rừng đào, rừng táo mèo thơ mộng; thiên nhiên kỳ vĩ, khí hậu quanh năm mát mẻ... thì khát vọng về một con đường ô tô được bê tông cứng hóa đảm bảo thông suốt bốn mùa, có dòng điện lưới quốc gia về soi sáng bản làng, có sóng, có mạng điện thoại để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế du lịch là rất chính đáng. 

Được biết mới đây, huyện Mù Cang Chải đã cử cán bộ chuyên môn xuống khảo sát, đo đạc đoạn đường nối từ cuối bản Thào Xa Chải đi đến trung tâm bản Lùng Cúng với tổng chiều dài 15 km làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển giao thông của bản trong thời gian tới. 

Tôi tin, với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vì dân, lo cho dân và sự đồng thuận, đoàn kết chung tay của nhân dân bản Lùng Cúng thì những ước vọng và mong muốn của bà con ở bản vùng cao này sẽ sớm thành hiện thực trong tương lai không xa!

Tráng A Mua