Chuyển đổi số - những tín hiệu vui

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/1/2022 | 7:49:03 AM

YênBái - Trong năm 2021, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số. Hầu hết việc giải quyết trong lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) đều được ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và xử lý trên môi trường mạng đã góp phần giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp.

Lắp đặt Camera giám sát, điều hành giao thông trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Lắp đặt Camera giám sát, điều hành giao thông trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, hoàn thiện hạ tầng đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030… Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương về triển khai thực hiện hiện đại hóa hành chính nhà nước trên địa bàn. 

Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Trong đó, cấp tỉnh 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao ADSL, FTTH, 100% máy tính kết nối Internet với tổng số trên 1.683 máy; cấp huyện 863 máy. 

Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 408 điểm (Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh 2 điểm; các cơ quan cấp tỉnh 22 điểm; đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp sở 60 điểm; cấp huyện 151 điểm và 173 điểm cấp xã). Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh Yên Bái (LGSP) đã thực hiện nhiệm vụ kết nối với Trục liên thông quốc gia (NGSP) và phục vụ liên thông, tích hợp chia sẻ hệ thống quản lý văn bản tỉnh với quốc gia; Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia. 

Cùng với đó, đã kết nối và khai thác các dịch vụ, phục vụ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tra cứu, theo dõi. 100% sở, ngành, địa phương sử dụng Phần mềm văn bản và điều hành trên môi trường mạng Internet. Đã có 21 sở, ban, ngành; 9 UBND cấp huyện, 173 UBND cấp xã; 18 đơn vị trực thuộc tích hợp chữ ký số, kết nối với trục liên thông NGSP và thực hiện gửi, nhận văn bản liên thông 4 cấp, đảm bảo việc liên thông theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Tỷ lệ văn bản dưới dạng điện tử đạt 100%. 

Tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện tốt cổng Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống "một cửa”, "một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC, đáp ứng đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Hết năm 2021, có tổng số 1.855 TTHC, trong đó cấp tỉnh 1.489 TTHC, cấp huyện 261 TTHC, cấp xã 105 TTHC. 

Đã thực hiện cấp 7.119 tài khoản (619 các cơ quan, đơn vị; 6.500 hòm thư cá nhân) tại 43 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và 173 xã, phường, thị trấn đạt 100%. Ngoài ra, còn có 15.000 tài khoản của ngành giáo dục sử dụng hòm thư, tên miền riêng.

Trong năm 2021, toàn tỉnh tổ chức trên 100 hội nghị trực tuyến cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã và trung ương. Đã bàn giao 1.787 chữ ký số chuyên dùng gồm 500 chữ ký số cơ quan và 1.278 chữ ký cá nhân. 

Theo đó, tỷ lệ văn bản điện tử ký số của toàn tỉnh đến năm 2021 đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trao đổi văn bản giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh dưới dạng điện tử và song song văn bản giấy là 10%. Đặc biệt, trong năm Yên Bái đã ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 rất hiệu quả, góp phần giảm chi phí, thời gian, công sức của toàn xã hội. 

Ngoài việc nâng cấp đường truyền Internet cho hệ thống camera các khu cách ly, ban chỉ đạo điều hành, tỉnh chủ động nâng cấp hệ thống phần mềm sàng lọc và xét nghiệm Covid-19, bổ sung thêm chức năng truy vết các đối tượng F0, F1, F2 và các ca bệnh liên quan; quản lý các đối tượng tại các khu cách ly tập trung và tại nhà; tổng hợp, thống kê số liệu về truy vết, sàng lọc, xét nghiệm, cách ly… Ứng dụng đã được sử dụng hiệu quả, phục vụ đảm bảo an toàn cho nhân dân. 

Việc chuyển đổi số là cần thiết, là yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đồng thời cũng là nhu cầu để phát triển. Do vậy, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan đơn vị, mỗi tổ chức, cá nhân hãy vào cuộc thực hiện nghiêm túc, tâm huyết và trách nhiệm.

Ngọc Trúc