Novak Djokovic bị trục xuất khỏi Australia: Khi ngôi sao cần nêu gương

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/1/2022 | 5:50:11 PM

Djokovic là ứng cử viên sáng giá ở Australia Open năm nay trước vụ bê bối thị thực, giờ đây anh đã bỏ lỡ cơ hội trở thành tay vợt nam đầu tiên giành được 21 Grand Slam và tương lai là một dấu hỏi lớn.

Novak Djokovic thi đấu tại giải ATP Cup 2021 ở Melbourne (Australia) ngày 2/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Novak Djokovic thi đấu tại giải ATP Cup 2021 ở Melbourne (Australia) ngày 2/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với phán quyết cuối cùng ngày 16/1 của Tòa án Liên bang Australia nhất trí giữ quyết định hủy bỏ thị thực của Novak Djokovic, tay vợt số 1 thế giới này đã cay đắng trở thành cựu vương của Australia Open ngay một ngày trước khi giải bắt đầu. Không những thế, anh còn bị trục xuất khỏi Australia cùng với tổn thất lớn về hình ảnh.


Trong phiên tòa bất thường, cả ba thẩm phán của Tòa án Liên bang Australia nhất trí giữ nguyên quyết định hủy bỏ thị thực của cây vợt người Serbia 34 tuổi được Bộ trưởng Di trú Australia đưa ra hai ngày trước với lý do việc cho phép Djokovic ở lại Australia có thể khuyến khích quan điểm chống tiêm chủng, gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng và trật tự xã hội nước này.


Phán quyết của Tòa án Liên bang Australia sẽ không được kháng cáo, trừ các trường hợp đặc biệt. Lý do cho phán quyết sẽ được công bố vào ngày 17/1.


Djokovic sẽ phải quay lại nơi giam giữ tại một khách sạn dành cho người nhập cư trái phép để ở đó ít nhất một đêm nữa, trước khi bị trục xuất khỏi Australia và không còn cơ hội đạt mục tiêu giành kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" 21 danh hiệu Grand Slam tại giải Australia Open năm nay.


Tại phiên tòa trên, Luật sư của Djokovic, Nicholas Wood cho rằng Bộ trưởng Di trú Australia, Alex Hawke đã "vơ đũa cả nắm" và "phóng đại” các thông tin trên báo chí về quan điểm của ngôi sao quần vợt trong khi không xem xét hậu quả của việc trục xuất Djokovic đối với tâm lý chống tiêm chủng.


Theo luật sư này, quyết định hủy thị thực của Djokovic "phi logic," "phi lý" và "không hợp lý." Không có bằng chứng nào về việc Djokovic đã từng kêu gọi bất kỳ người nào khác không nên đi tiêm phòng và bác bỏ đánh giá Djokovic là một "nguy cơ đối với trật tự xã hội” ở Australia vì là một "cá nhân nổi tiếng không tiêm chủng".


Các luật sư của Djokovic phủ nhận việc Djokovic có quan điểm chống tiêm chủng mạnh mẽ, cho rằng ý kiến này chỉ dựa trên một tuyên bố ban đầu của tay vợt này về đại dịch trước khi có vaccine.


Các luật sư cũng cho rằng Bộ trưởng Hawke không có bằng chứng nào về tác động của việc Djokovic ở lại Australia lên tâm lý chống tiêm chủng, và bác bỏ ý kiến đánh giá ngôi sao quần vợt đã trở thành biểu tượng chống tiêm chủng.


Tuy nhiên, luật sư của chính phủ Australia, Stephen Lloyd, lập luận rằng ngôi sao quần vợt này là một người nổi tiếng và được coi là "ủng hộ quan điểm chống tiêm chủng" và đã trở thành một "biểu tượng" đối với những người chống vaccine.


Ông Lloyd nói: "Có thể suy luận rằng một người trong vị trí của đương đơn có thể đã tiêm chủng ngừa nếu anh ta muốn. Sự lựa chọn đó đưa đến một suy luận rộng hơn về quan điểm của đương đơn về việc tiêm chủng ngừa COVID-19."


Luật sư Lloyd cũng bác bỏ cáo buộc rằng quyết định của ông Hawke chỉ dựa vào các thông tin trên các phương tiện truyền thông và phủ nhận đánh giá rằng Bộ trưởng Di trú Australia không xem xét hậu quả của việc trục xuất Djokovic.


Ông Lloyd nói: "Điều đáng lo ngại là anh ấy là một người nổi tiếng, về nhiều mặt, là một hình mẫu đối với nhiều người, vì vậy sự hiện diện của anh ấy ở Australia sẽ thể hiện mạnh mẽ hơn và trực tiếp hơn quan điểm chống tiêm chủng của anh ấy đối với người dân Australia.”


Quá khứ phớt lờ các biện pháp an toàn phòng dịch, trong đó có không cách ly khi mắc COVID-19, cũng được nêu ra như một bằng chứng rõ ràng về quan điểm chống vaccine của ngôi sao này.


Đây cũng là một trong những lập luận chính của Bộ trưởng Di cư Hawke khi cho rằng nó tạo một mối đe dọa đến an toàn chung, kích động mọi người bỏ qua những quy tắc cần thiết trong đại dịch. Hồi giữa tháng 12 năm ngoái, Djokovic mắc COVID-19 nhưng không chịu cách ly mà vẫn tham gia nhiều hoạt động.


Novak Djokovic bi truc xuat khoi Australia: Khi ngoi sao can neu guong hinh anh 2


Tay vợt Novak Djokovic trong một trận đấu đơn nam tại Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản), ngày 31/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)


Djokovic không bao giờ che giấu tham vọng trở thành tay vợt nam vĩ đại nhất lịch sử. Anh là ứng cử viên sáng giá ở Australia Open năm nay trước vụ bê bối thị thực. Nếu thành công, Djokovic sẽ là tay vợt nam đầu tiên thâu tóm được 21 Grand Slam (hiện thành tích 20 Grand Slam của anh đang ngang bằng với Rafael Nadal và Roger Federer).


Giờ đây, cơ hội này đã bị bỏ lỡ và tương lai là dấu hỏi lớn. Việc Djokovic không tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tham dự các Grand Slam còn lại trong năm.


Theo quy định hiện nay, Djokovic vẫn có thể thi đấu ở Roland Garros nếu trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính khi nhập cảnh Pháp, nhưng Tổng thống nước này Emmanuel Macron gần đây cũng đã bày tỏ "không khoan nhượng" với những người không chịu tiêm vaccine.


Nhập cảnh Anh để thi đấu Wimbledon hay nhập cảnh Mỹ để thi đấu US Open sẽ có thể còn phức tạp hơn, tùy thuộc vào diễn biến sắp tới của đại dịch.


Cựu huấn luyện viên của Djokovic, tay vợt vang bóng một thời Boris Becker cảnh báo: "Ban tổ chức Roland Garros hay Wimbledon đang dõi theo sít sao câu chuyện ở Australia Open. Nếu cậu ấy muốn tiếp tục tập trung vào quần vợt, cậu ấy cần phải thay đổi"./.


(Theo Vietnam+)