Khu ủy Tây Bắc - một “địa chỉ đỏ”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/1/2022 | 7:43:42 AM

YênBái - Nằm trên địa bàn bản Chanh, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ, Di tích lịch sử Quốc gia Khu ủy Tây Bắc là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ - một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau...

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu ủy Tây Bắc tháng 9/2013 (ảnh T.L).
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu ủy Tây Bắc tháng 9/2013 (ảnh T.L).

Tháng 5/1952, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định tách 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La khỏi Liên khu Việt Bắc và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu XX - tiền thân của Khu ủy Tây Bắc. 

Bản Chanh thuộc xã Phù Nham là nơi được lựa chọn đặt trụ sở Khu ủy Tây Bắc trong khoảng thời gian gần hai năm, từ tháng 11/1952 - 12/1954. Bản Chanh là địa điểm đảm bảo yếu tố "Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, thuận lợi cho công tác xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, tiến hành các cuộc tiến công tiêu diệt địch, đặc biệt là huy động tổng lực, lực lượng vũ trang và nhân dân. 

Tại đây, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân xã Phù Nham đã hăng hái ủng hộ lương thực, thực phẩm, ngày công, gỗ, tre, nứa dựng nhà làm việc của Khu ủy nằm dọc bên suối Ngòi Nhì để bảo đảm an toàn, bí mật. Nơi làm việc là những dãy lán trại làm bằng tre nứa, lợp tranh núp dưới các lùm cây cao, ban ngày cán bộ của Khu ủy làm việc dưới lán, đêm về nhà dân ngủ. 

Tại trụ sở Khu ủy Tây Bắc đã diễn ra các cuộc họp của Khu ủy - Quân khu triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy Trung ương, xây dựng lực lượng, tăng gia sản xuất, tổ chức các lớp huấn luyện… và lãnh đạo nhân dân, lực lượng vũ trang trong vùng anh dũng, kiên cường bám đất, bám làng, quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Tây Bắc đợt 2 và Chiến dịch Điện Biên Phủ làm nức lòng quân dân cả nước và bầu bạn năm châu.

Sau ngày hòa bình lập lại và trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù trụ sở Khu ủy chuyển rời đến địa phương khác, song cán bộ Khu ủy vẫn tiếp tục cùng với chính quyền các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La xây dựng các đơn vị quân đội vững mạnh, vừa tham gia chiến đấu, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là nhiệm vụ tiễu phỉ, vừa tham gia sản xuất, xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà. 

Do yêu cầu mới của cách mạng và đất nước, Khu ủy Tây Bắc không tồn tại nữa nhưng với ý thức giữ gìn, tôn trọng thành quả cách mạng, ghi dấu truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, nơ là trụ sở Khu ủy trước đây đã được địa phương quy hoạch trên diện tích 1.836 m2, trong đó hơn 500 m2 do nhân dân hiến tặng. 

Năm 2009, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp Bằng công nhận Khu ủy Tây Bắc là Di tích lịch sử cấp tỉnh và giao cho xã Phù Nham trực tiếp quản lý. Năm 2012, Khu ủy Tây Bắc được cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. 

Thu Hiền