Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/1/2022 | 7:12:26 AM

YênBái - Năm 2021, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 650 vụ/1.028 bị can

Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tuyên truyền pháp luật công tác kiểm sát thi hành án dân sự.
Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tuyên truyền pháp luật công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

Xác định công tác đột phá năm 2021 là "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã chỉ đạo VKSND hai cấp kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án mới khởi tố, nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo trong việc xem xét quyết định, phê chuẩn các quyết định tố tụng thuộc thẩm quyền; đồng thời, nắm chắc tiến độ giải quyết án để đôn đốc điều tra viên đẩy nhanh tiến độ; kiểm sát chặt chẽ các vụ án, bị can tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra.

VKSND tỉnh đã ban hành quy định về việc thực hiện thời hạn giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự; tích cực thực hiện quy chế phối hợp với Công an tỉnh trong công tác giải quyết án hình sự. Theo đó, năm 2021, VKSND tỉnh đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 650 vụ/1.028 bị can (khởi tố mới 519 vụ/891 bị can). 

Cơ quan điều tra đã giải quyết 543 vụ/806 bị can (đạt 83,4%), trong đó: đề nghị truy tố 466 vụ/786 bị can. Tỷ lệ giải quyết án trong giai đoạn điều tra đúng hạn đạt 100%. Số vụ án hình sự được kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án đạt 100%. 

Cùng với đó, các kiểm sát viên đã tham gia hoạt động điều tra bắt buộc 842 cuộc. VKSND tham gia lấy lời khai người bị bắt, tạm giữ... 140 lần; trực tiếp hoặc tham gia hỏi cung 1.359 lần, đạt tỷ lệ 100% số bị can đã giải quyết. 

Đối với công tác phê chuẩn các quyết định áp dụng, thay đổi các biện pháp ngăn chặn, phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra cũng đã được VKSND tỉnh thực hiện đảm bảo. Việc bắt, tạm giữ đều có căn cứ, đúng pháp luật, vì vậy, số người bị bắt, tạm giữ chuyển khởi tố hình sự đạt tỷ lệ cao (99,8% số đã xử lý), không để xảy ra trường hợp nào quá hạn tạm giữ; kiểm sát chặt chẽ các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra. VKSND tỉnh đã thực hiện rà soát các vụ án tạm đình chỉ của toàn tỉnh trong các giai đoạn tố tụng, đảm bảo các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ đều có căn cứ, đúng pháp luật. 

Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự, VKSND hai cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Trong năm, VKSND hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự theo thủ tục sơ thẩm 534 vụ/916 bị cáo (tăng 36 vụ, giảm 30 bị cáo so với năm 2020). 

Đã giải quyết 449 vụ/730 bị cáo (xét xử 445 vụ/723 bị cáo; đình chỉ 3 vụ/3 bị cáo; tạm đình chỉ 1 vụ/4 bị can); tỷ lệ giải quyết đạt 84%. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm 63 vụ/107 bị cáo, Tòa án đã giải quyết 60 vụ/104 bị cáo, đạt tỷ lệ 95,2%; trong đó, xét xử 35 vụ/70 bị cáo; đình chỉ xét xử 25 vụ/34 bị cáo. Hiện, đang giải quyết 3 vụ/3 bị cáo. 

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các kiểm sát viên đã thực hiện nghiêm các biện pháp nghiệp vụ theo quy định; đồng thời, tích cực tham gia xét hỏi, tranh tụng làm rõ nội dung vụ án tại phiên tòa. Những ý kiến, đề xuất với hội đồng xét xử đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật nên đều được hội đồng xét xử chấp nhận. 

Cùng với nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, VKSND hai cấp đã tích cực phối hợp với Tòa án nhân dân 2 cấp tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng thẩm vấn, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; phối hợp tổ chức 172 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm để rút kinh nghiệm, 5 phiên tòa xét xử lưu động, 6 phiên tòa số hóa hồ sơ.

Để tiếp tục phát huy vai trò bảo vệ công lý, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2022, VKSND 2 cấp tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu nghiệp vụ theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội và Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội tham nhũng; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không làm oan, sai người vô tội; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo luật định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Hồng Oanh