Trạm Tấu tiếp nối những mùa xuân no ấm

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/1/2022 | 7:12:46 AM

YênBái - Năm 2022, bên cạnh những sản phẩm chủ lực của địa phương, xã Xà Hồ sẽ tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích. Tuy nhiên, xã cũng mong muốn các ngành chức năng sẽ liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã để có đầu ra bền vững cho người dân. Cây khoai sọ sẽ thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào trong tương lai.

Cán bộ chuyên môn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch khoai sọ cho nhân dân xã Xà Hồ. (Ảnh: Văn Tuấn)
Cán bộ chuyên môn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch khoai sọ cho nhân dân xã Xà Hồ. (Ảnh: Văn Tuấn)

Tiết trời vào xuân, con đường về thôn Háng Xê xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu ngập sắc đào phai. Trong sương sớm, những cô gái bản má đỏ hây hây đi tìm lá dong chuẩn bị giã bánh dày. 

Mùa Thị Giông ở chòm Cu Vai, thôn Háng Xê cất cuộn chỉ đỏ đang thêu vào lù cở, nở nụ cười tươi như hoa xuân, chuyện: Năm nay, thóc gạo bán được giá cao nên cả nhà em rất vui. Em muốn mua thêm vải về may áo mới cho mẹ và các em ở nhà nên vừa tranh thủ lấy lá về gói bánh dày vừa thêu nốt váy. Năm nay Covid-19 phức tạp, chắc chắn em chỉ chơi xuân ở bản thôi, sum vầy cùng gia đình và bà con trong bản.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chòm Cu Vai thôn Háng Xê cũng ít khách du lịch hơn nên bà con tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và gieo cấy lúa đặc sản kết hợp nhân rộng mô hình khoai sọ nên ở Háng Xê vẫn có 1 năm kinh tế phát triển ổn định; người dân được ăn no mặc ấm. 

Anh Hờ A Sùng - thôn Háng Xê chia sẻ: Thôn Háng Xê có trên 95 ha gieo trồng cây lương thực. Năm vừa rồi, người dân còn mạnh dạn trồng 6 ha khoai sọ, với năng suất 12 tạ/ha, giá thành từ 10.000 đồng trở lên. Bởi vậy, bà con vẫn có thu nhập ổn định. Tết ở Háng Xê vui vẻ, ấm no hơn. Năm 2021, đồng bào Mông xã Xà Hồ đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, xã chưa có dịch Covid-19 xâm nhiễm vào địa bàn.

Với sự nỗ lực trong chỉ đạo điều hành, xã đã thực hiện thắng lợi 30 chỉ tiêu Nghị quyết; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.812 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt gần 770 kg/năm. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện trong việc tận dụng các diện tích nương rẫy để trồng khoai sọ, năm 2021, xã Xà Hồ đã đưa vào trồng 37 ha khoai sọ, tăng 4 ha so với kế hoạch, năng suất đạt 140 tạ/ha, sản lượng đạt 462 tấn, giá cả ổn định nên thu nhập của người dân địa phương được cải thiện đáng kể. 

Anh Mùa A Trang, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ cho biết: Có nhiều khách du lịch đến bản hỏi gạo, gà đen của người Mông mình và thường mua về làm quà nên mình biết khách hàng giờ ưa chuộng những nông sản sạch, gia súc sạch không nuôi tăng trọng và chất kích thích. Vì vậy, gia đình mình cấy thêm nếp cẩm nương và nuôi gà đen thả vườn để cung cấp thực phẩm sạch. Tết này nhà mình không phải mua thịt ở chợ, chỉ mua thêm bánh kẹo thôi chứ thóc đầy bồ, gà lợn đầy chuồng rồi.

Niềm vui của gia đình chị Giông hay anh Trang là niềm vui chung của đồng bào Mông xã Xà Hồ. Dù cuộc sống vẫn còn khó khăn, vất vả nhưng người dân Xà Hồ luôn hài lòng với thực tại, giống như chia sẻ của già làng Mùa A Ly: Giờ hạnh phúc lắm rồi! Bản làng sạch đẹp được người dân cả nước biết đến là khu du lịch. Bản đã có đường xe máy, người dân không phải đi bộ. Nông sản, gia súc thành hàng hóa làm giàu cho người dân - đây là điều hạnh phúc mà thời chúng tôi đến cả mơ cũng không dám nghĩ tới.

Đồng chí Mùa A Sáy - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ chia sẻ: Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng bào Mông xã Xà Hồ đã có một năm hoa màu bội thu, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Dự báo bà con sẽ có một cái tết đủ đầy, nhất là cây khoai sọ đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình. 

Năm 2022, bên cạnh những sản phẩm chủ lực của địa phương, xã Xà Hồ sẽ tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích. Tuy nhiên, xã cũng mong muốn các ngành chức năng sẽ liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã để có đầu ra bền vững cho người dân. Khoai sọ sẽ thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào trong tương lai. 

Nhìn lại kết quả của một năm nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, vận động nhân dân thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với chống dịch hiệu quả và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã có nhiều đổi mới trong thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã làm du lịch, các tổ hợp tác sản xuất, chế biến nông sản hoàn thiện các hồ sơ xây dựng, vay vốn, xây dựng thương hiệu hình ảnh quảng bá về địa phương. 

Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc sản địa phương. Huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn phát triển gia súc theo hướng hàng hóa. 

Năm 2021, thực hiện Nghị quyết 69/NQ-HĐND tỉnh Yên Bái, huyện thực hiện 42 cơ sở hộ gia đình chăn nuôi, trong đó có 13 cơ sở chăn nuôi trâu bò, 25 cơ sở chăn nuôi lợn, 4 cơ sở chăn nuôi gia cầm đặc sản, bước đầu các mô hình đã phát huy hiệu quả. 

Ông Thào A Tủa thôn Suối Giao, xã Xà Hồ là 1 tỷ phú chăn nuôi với khoảng gần 400 con dê trên đỉnh Tà Chì Nhù và đàn đại gia súc hàng trăm con phục vụ du khách cũng như cung cấp thực phẩm sạch ngay trên đỉnh núi. 

Ông Thào A Tủa chia sẻ: Đến bây giờ không thể nhớ chính xác đàn dê và số ngựa, vì mình nuôi rất nhiều. Nhìn khách du lịch hứng thú với sản phẩm mình làm ra mình rất vui. Mình vận động con cháu cùng làm, vì vừa có thu nhập cao, lại quảng bá được hình ảnh núi non hùng vĩ của Trạm Tấu. Ăn tết đã không còn là vấn đề lớn như những năm trước đây. Giờ no ấm cả năm nên nghĩ nhiều đến việc làm thế nào có thể giúp đồng bào trong xã có thể làm giàu từ chăn nuôi.  

Được biết năm 2021, bên cạnh sản phẩm khoai sọ nương đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, huyện Trạm Tấu được Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận nhãn hiệu sản phẩm gạo nếp 87, gà đen bản địa, lợn đen bản địa, măng ớt Trạm Tấu. Đây được coi là bước đột phá trong việc kích cầu nông sản cho người dân.

Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Bản Công chia sẻ: Khi các nông sản có thương hiệu riêng thì việc tìm thị trường cho người dân đã đơn giản hơn nhiều. Các tư thương đã tự tìm đến tận các chân ruộng thu mua cho người dân. Nông sản được giá việc vận động người dân mở rộng diện tích không còn là bài toán khó. Năm 2022, xã tiếp tục vận động đồng bào phát triển những sản phẩm chủ lực từ địa phương gắn với phát triển du lịch để người dân có thu nhập bền vững từ du lịch.

Bước vào năm 2022, huyện Trạm Tấu xây dựng 38 chỉ tiêu chủ yếu. Để đạt được các mục tiêu đề ra, huyện xây dựng các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương. 

Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Đảng bộ huyện tiếp tục đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ở từng chi bộ cơ sở; nêu cao trách nhiệm tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu vận động nhân dân tiếp tục xóa bỏ tập tục không còn phù hợp với nếp sống mới, mạnh dạn áp dụng KHKT chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đem lại thu nhập cao cho gia đình; thực hiện tốt mục tiêu kép phát triển kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2021, với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng bộ, huyện Trạm Tấu quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, tiếp nối những mùa xuân no ấm.

Phương Thùy