Ngân hàng thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/1/2022 | 7:35:09 AM

YênBái - Năm 2021, ngành ngân hàng tỉnh Yên Bái đã chủ động bám sát tình hình, kinh tế - xã hội địa phương, tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Văn Tiến - Agribank Chi nhánh thành phố Yên Bái II.
Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Văn Tiến - Agribank Chi nhánh thành phố Yên Bái II.

Đáp ứng kịp thời vốn cho nền kinh tế

Năm 2021, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế nói chung và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng trong tỉnh đã thực hiện các chính sách về lãi suất và tỷ giá, các giải pháp tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hộ SXKD và các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển SXKD. 

Tính đến hết năm 2021, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 13,12% so với 31/12/2020. Tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 29.600 tỷ đồng, tăng 12,30% so với thời điểm 31/12/2020; đạt 102,1% mục tiêu đề ra. 

Các chi nhánh ngân hàng, QTDND đã tập trung nguồn vốn tín dụng để cho vay phục vụ SXKD, các DN nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ ước đạt 10.900 tỷ đồng, chiếm 36,82% tổng dư nợ; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ước đạt 8.900 tỷ đồng, chiếm 30,07%; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu ước đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 15,72%  chiếm 3,63% tổng dư nợ; dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 8,86%; dư nợ cho vay hỗ trợ DN vừa và nhỏ ước đạt 5.450 tỷ đồng, chiếm 18,41% tổng dư nợ, tăng 17,89% so với 31/12/2020. 

Chương trình kết nối ngân hàng - DN tiếp tục được chú trọng. Lũy kế đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ vốn vay đối với 1.175 khách hàng, số tiền cam kết cho vay là 15.656 tỷ đồng và dư nợ hiện tại là 9.400 tỷ đồng; cam kết hỗ trợ giảm lãi suất cho 7.381 khách hàng với dư nợ là 6.406 tỷ đồng; gia hạn nợ cho 47 khách hàng với số tiền 550 tỷ đồng và cơ cấu lại nợ vay cũ về mức phù hợp cho 198 DN với dư nợ là 1.967 tỷ đồng; từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN trong SXKD. 

Dồn sức hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây nhiều khó khăn cho hoạt động SXKD của DN, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vào cuộc rất quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ DN góp phần phục hồi nền kinh tế. 

Ông Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Chia sẻ những khó khăn với khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với các chương trình ưu đãi tín dụng: chương trình ưu đãi tín dụng đối với  khách hàng lớn; chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị vừa và nhỏ, chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Qua các lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng do diễn biến dịch Covid-19, tính đến thời điểm 31/12/2021, Chi nhánh đã giảm lãi suất cho 23.243 khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 8.753 tỷ đồng, số tiền lãi giảm ít nhất là trên 29 tỷ đồng”. 

Ngoài Agribank, hàng loạt ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đến 31/10/2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 7.346 tỷ đồng chiếm 25,47% tổng dư nợ trên toàn tỉnh. 

Trong năm 2021, các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn đã tháo gỡ khó khăn cho 45.396 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 19 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại là 154 tỷ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 105 khách hàng, dư nợ được miễn giảm lãi là 161 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới trong năm 2021 là 9.870 tỷ đồng cho 3.225 khách hàng.  

Cùng đó, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu trong năm 2021 cho 42.047 lượt khách hàng với dư nợ được giảm lãi là 12.462 tỷ đồng. Lũy kế giảm lãi từ 0,2% đến 2,5%/năm cho 49.363 lượt khách hàng, dư nợ được giảm lãi suất là 18.501 tỷ đồng. Từ tháng 7/2021, các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục giảm 1%/năm lãi suất cho vay và triển khai thực hiện nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp.

Cùng đó, thực hiện Chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền là 1.512 triệu đồng cho 5 DN. Qua đó, giúp cộng đồng DN và người dân nhanh chóng khôi phục SXKD, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, năm 2022, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng so với năm 2021 từ 12% trở lên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%. Theo đó, ngành tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng, đảm bảo cung ứng vốn cho các thành phần kinh tế, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực SXKD, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng lành mạnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân, đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN. 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các DN và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai các loại hình dịch vụ ngân hàng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa phương. 

Văn Thông