Tôn vinh tinh thần Tết Việt

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/1/2022 | 7:36:02 AM

Đến hẹn lại lên, Tết đến, xuân về là dịp nở rộ các chương trình, sự kiện tìm về truyền thống thông qua các hoạt động tái hiện không khí Tết xưa, làm sống lại phong tục cổ truyền.

Tái hiện nghi lễ “Tiến lịch” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Tái hiện nghi lễ “Tiến lịch” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Không chỉ mang đến không gian trải nghiệm hấp dẫn, bổ ích cho công chúng và du khách, những hoạt động trên còn góp phần tôn vinh, lan tỏa tinh thần Tết Việt, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc qua nhiều thế hệ.

Sống lại phong tục cổ truyền

Chỉ vừa mới khởi động cách đây chưa lâu, chương trình "Tết xứ Đoài” đã tạo được ấn tượng sâu đậm cho công chúng và du khách nhờ các hoạt động tái hiện đậm đà không khí Tết xưa tại một trong những "cổ trấn” nổi tiếng nhất cả nước - Làng cổ Đường Lâm.

Tham gia chương trình, du khách được sống trong bầu không khí rộn ràng, tất bật mà đầm ấm khi chung tay vào các hoạt động chuẩn bị cho Tết cổ truyền của người Việt, như: Gói bánh chưng, bánh tẻ, làm kẹo lạc, dựng cây nêu, chơi chợ Tết…; trải nghiệm nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục cổ truyền mỗi dịp Tết đến, xuân về, gồm: Dâng lễ Thành hoàng, viết thư pháp, nặn tò he, in tranh Tết... Đây cũng là dịp để thưởng thức ẩm thực xứ Đoài như: Gà Mía, thịt quay đòn, bánh đúc chấm tương…; tìm hiểu về các trò chơi dân gian ngày Tết: Bắt vịt, chọi gà, đấu vật… hay trải nghiệm các môn nghệ thuật truyền thống trong không gian cổ kính.

Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, "Tết xứ Đoài” là chương trình được tổ chức thường niên, nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, xây dựng điểm đến đặc sắc cho du lịch di sản địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ trong đời sống đương đại.

Khác với không khí Tết dân gian ở Làng cổ Đường Lâm, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long lại mang đến không khí Tết hoàng cung đầy uy nghi, trang trọng, thông qua chương trình thể nghiệm thực hành nghi lễ "Tiến lịch” bằng hình thức sân khấu hóa. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, đây là lần đầu tiên các nghi thức cung đình lễ "Tiến lịch" được giới thiệu tới công chúng, dựa trên kết quả nghiên cứu nghi lễ thời gian qua của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

"Để giúp công chúng hiểu rõ hơn về các nghi thức này, trung tâm tổ chức trưng bày trực tuyến diễn giải tư liệu, hình ảnh về quy trình làm lịch cũng như ban hành lịch của triều đình nhà Lê; phỏng dựng bìa sách ngự lịch tiến vua hay tái hiện sinh động quy trình san khắc, in ấn, đóng quyển lịch thông qua bộ sưu tập dụng cụ, nguyên liệu chuyên dụng của nghệ nhân khắc mộc bản...; ghi hình chương trình nói chuyện của các nhà sử học, nghệ nhân khắc mộc bản về quy trình biên soạn, san khắc và đóng ấn lịch, nghi lễ tiến ngự lịch lên hoàng đế và ban lịch cho bách quan, muôn dân; cũng như các phong tục Tết truyền thống khác của dân tộc”, ông Nguyễn Thanh Quang cho hay.

Lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống

Là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dịp để mỗi người, mỗi nhà sum họp đầm ấm, yên vui sau một năm lao động vất vả, nhiều năm trở lại đây, Tết Nguyên đán còn có nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm lan tỏa tình yêu với văn hóa truyền thống, khơi dậy ý thức trách nhiệm gìn giữ, trao truyền các giá trị tốt đẹp của Tết Việt.

Tại nhiều không gian di sản, điểm giao lưu văn hóa trên địa bàn Thủ đô, dễ dàng bắt gặp những hoạt động khơi dậy không khí Tết cổ truyền, khích lệ cộng đồng tìm về với cội nguồn dân tộc. Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đang gấp rút hoàn thành chương trình "Tết Việt - Tết phố xuân Nhâm Dần 2022”, để ra mắt công chúng vào ngày 28-1 tới, với nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá Tết cổ truyền trong không gian phố cổ. Trong khi đó, các công đoạn chuẩn bị cho ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã được triển khai, hứa hẹn đem đến cho công chúng và du khách những trải nghiệm khó quên về phong tục, nghi thức đón Tết của đồng bào dân tộc trên cả nước.

Ông Nguyễn Đăng Dũng (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) chia sẻ: "Tôi rất hào hứng và xúc động khi được hòa mình vào không khí đón Tết đậm đà bản sắc dân tộc tại những không gian ý nghĩa như vậy. Các hoạt động đón Tết không chỉ cho thấy sức lan tỏa và khả năng kết nối của chương trình tới công chúng, mà còn chứng tỏ những giá trị văn hóa tốt đẹp luôn được người dân đón nhận, say mê tìm hiểu”.

Nói về những nỗ lực phục dựng Tết cổ truyền trong những ngày đầu xuân mới, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho rằng, đây là những hoạt động văn hóa ý nghĩa và cần thiết, giúp cộng đồng lưu giữ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, thiêng liêng của Tết xưa. Thời gian trôi qua, cách đón Tết sẽ có nhiều thay đổi, song với ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tôn vinh tinh thần Tết cổ truyền trong đời sống đương đại, những giá trị nhân văn sâu sắc của Tết Việt sẽ được lưu truyền mãi.

(Theo HNMO)