Tiếng hô lay động non ngàn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/2/2022 | 9:19:48 AM

YênBái - Quyết tâm...! Tiếng hô lay động non ngàn. Gió thu thoảng nhẹ. Hương quế tỏa ngát nồng thơm như tiếp thêm sinh khí cho những con người mộc mạc, cần cù vượt khó và đang quyết tâm tìm mở tương lai giàu mạnh.

Anh Giàng A Sáu hướng dẫn các bạn trẻ người Mông ở Trạm Tấu cách trồng lúa xen quế.
Anh Giàng A Sáu hướng dẫn các bạn trẻ người Mông ở Trạm Tấu cách trồng lúa xen quế.

Mấy năm qua, từ công việc của mình, bạn tôi thu hút khá nhiều nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm để làm thiện nguyện ở vùng cao, nhất là vùng đồng bào Mông huyện Trạm Tấu. Qua đó, nhiều cây cầu nhỏ, đường sá, nhà ở cho hộ nghèo được xây dựng; nhiều người được hỗ trợ chữa bệnh và con giống... Nhưng về lâu dài, anh nghĩ, phải hướng nguồn tài trợ này vào hỗ trợ sinh kế một cách căn cơ, phù hợp mới có thể giúp được nhiều hộ thoát nghèo. 

Bởi vậy, sau bao trăn trở, anh chọn, trước mắt sẽ hỗ trợ phát triển trồng quế - loại cây hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa hình, tiềm năng đất đai, trình độ canh tác của dân vùng cao và sẽ hỗ trợ họ về cây giống. 

Trước mắt, dự án triển khai ở một số nơi thuộc huyện Trạm Tấu và lấy tên dự án là "Việt Nam xanh”. Tuy vậy, việc triển khai dự án bước đầu cho thấy, nơi thì bà con rất quyết tâm, nơi còn do dự, nơi thờ ơ khi được vận động trồng quế.

Nghe vậy, tôi cùng anh đến thăm những nơi anh đang vận động bà con trồng quế như ở thôn Tà Chơ, chòm dân Chống Chơ, thôn Háng Đay, xã Làng Nhì; chòm Cống Dua, thôn Làng Linh, xã Túc Đán... 
Tiếp xúc với bà con rồi nhận thấy, nguyên nhân vì sao nhiều người do dự, thờ ơ với trồng quế thì nhiều lắm. 

Tuy nhiên, điểm chung nhất là, các bản làng này đều biệt lập trên núi cao, không điện lưới quốc gia, không sóng ti vi, điện thoại, đường sá khó khăn, ít giao lưu với bên ngoài, nghèo và lệ thuộc nhiều vào nguồn lợi rừng tự nhiên, nhiều người không biết tiếng phổ thông, dân trí thấp… nên rất thiếu thông tin mở hướng làm kinh tế. 

Tuy vậy, tâm lý của bà con xưa nay lại rất đáng quý là, chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế thì do dự, chứ đã thấy thì lại tích cực làm theo. Bởi vậy, chúng tôi quyết định giúp họ một chuyến tham quan nơi người Mông từng rất nghèo và nay đã giàu lên từ quế ở xã An Lương, huyện Văn Chấn. 

Chuyến tham quan đó diễn ra vào độ cuối thu với gần hai chục người đều là những người khá "đặc biệt”. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Chơ Giàng A Súa - nơi bà con rất hào hứng với dự án trồng quế dẫn theo mấy bác trung niên là người có uy tín ở thôn mình. 

Chòm Chống Chơ, thôn Háng Đay thì toàn những cặp vợ chồng trẻ, nghèo lắm, nhưng luôn khao khát thoát nghèo nên họ háo hức đi học cách trồng quế. Điển hình như A Su bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng và vợ chồng Su phải nuôi em nhỏ trong căn nhà xiêu vẹo chẳng có thứ tài sản nào đáng giá. 

Vợ chồng em Giàng Thị Vàng, dù bố mẹ muốn có thêm cháu, nhưng các em quyết chỉ đẻ 2 con để tìm cách làm ăn cho đỡ khổ. Em A Nù bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ, không nhà, phải ở nhờ nhà lớp mẫu giáo bỏ trống. Nay lớn rồi, Nù muốn gắng làm ăn để có nhà còn lấy vợ. Vợ chồng em A Bình, em Dính gặp nhau ở trường đại học, nhưng học xong mấy năm chưa tìm được việc làm và cả hai cùng xác định, trước mắt cứ tập trung làm kinh tế... 

Ở bên chòm Cống Dua, thôn Làng Linh, xã Túc Đán có A Tông đẻ hơn chục đứa con nên cứ nghèo đói mãi; A Khua là trưởng chòm cũng được mời đi tham quan. Chủ tịch xã An Lương - Hoàng Văn Cội nhiệt tình đưa đoàn lên thôn Sài Lương 3 của người Mông và thẳng đến nhà tỷ phú Giàng A Sáu. 

Nhìn ngôi nhà A Sáu vừa xây trên 3 tỷ đồng, ai cũng trầm trồ thán phục. A Sáu niềm nở đón khách và Chủ tịch Cội đùa vui: 

- Khách đông quá có làm phiền A Sáu không nhỉ?

A Sáu nói cười rổn rảng: 

- Không! Vui lắm chứ! Mình làm được nhà đẹp thì phải có khách đến chơi, chứ không thì buồn lắm!
Đặc biệt, khi biết khách ở xã Làng Nhì có nhiều người ở thôn Háng Đay của vợ mình đến học trồng quế thì A Sáu lại càng vui. Bởi vì, nói đến trồng quế ở Háng Đay, đã làm cho A Sáu buồn mãi. 

Chuyện là, khi A Sáu đã giàu lên nhờ quế và anh mới lấy vợ ở Háng Đay, thấy nhà vợ nghèo, anh mang quế giống sang trồng mong cho đời sống bên nhà vợ cũng khá lên. Ai ngờ, ít lâu sau, A Sáu sang thăm và hỏi quế mọc thế nào thì bố vợ bảo: 

- Có khi con chuột nó ăn hết rồi, vì cỏ mọc rậm quá!

Hỏi mấy đứa em trai vợ sao không chăm quế thì chúng bảo: 

- Trồng quế lâu có tiền lắm! Đi làm thuê mỗi ngày được hơn hai trăm nghìn kiếm tiền nhanh hơn!
Bởi thế, hôm nay, người ở Háng Đay đến học nghề trồng quế, A Sáu mừng vui còn vì cái nhẽ, thế nào rồi những đứa em của vợ mình cũng nghĩ lại mà làm theo. A Sáu hướng dẫn tận tình cách chọn giống quế, cách trồng, hạch toán kinh tế cho mọi người được biết. Anh đưa mọi người đến bên nương quế non trồng xen lúa và bảo: 

- Trồng quế xen lúa nương thì vẫn làm được hai vụ lúa nữa; trồng ngô xen quế được 3 vụ, còn trồng sắn được 4 vụ quế mới khép tán, nhưng đến năm thứ 4, thứ 5 thì quế được thu nhờ tỉa thưa qua từng năm nên sẽ dư tiền sinh sống. Quế có thể trồng 8.000 đến 10.000 cây trên 1 ha; đặc biệt, trồng quế xen lúa vừa làm cỏ cho lúa vừa cho quế nên cả lúa, quế đều tốt. Tỉa thưa đến năm thứ 10, chỉ cần giữ mỗi héc-ta 2.000 cây to là vài năm sau có tiền tỷ. 

Nghe A Sáu nói, mọi người chợt hiểu, trồng quế vào đất lúa vừa được quế vừa có lúa ăn, ngô, sắn để chăn nuôi.

A Sáu cho biết thêm: 

- Chỗ mình đứng đây vừa bán quế được 4 tỷ đồng. Chỗ trồng lúa bên kia bán được hơn 3 tỷ. Còn toàn bộ khoảng 7 chục héc-ta quế ở trang trại này cầm chắc từ 150 tỷ trở lên.
Tôi hỏi anh em trong đoàn: 

- Mỗi nhà mình có diện tích đất bằng chỗ A Sáu vừa bán 4 tỷ tiền quế này không? 
Tất cả đều bảo có.

Bữa cơm tại nhà A Sáu, chủ khách nói chuyện thật nhiều và toàn tiếng Mông nên tôi chẳng hiểu. Hỏi lại A Súa - Trưởng thôn Tà Chơ và em cho biết, A Sáu nói về quá khứ nghèo khổ của anh và người Mông ở An Lương; nói về thị trường tiêu thụ quế và khuyên mọi người cố gắng trồng quế… 

Rồi cũng đến lúc chia tay. Bịn rịn và hồ hởi. Bắt tay nhau, chào tạm biệt, một anh cất tiếng:

- Đường sá gian nan thế mà họ vẫn trồng quế làm giàu thì mình sao không làm được. Phải không bà con?

Mọi người ồ lên, ai nấy đều thấy đúng. Tôi phấn chấn mà nói: "Các bác, các anh, chị đã chứng kiến thành quả của người Mông An Lương trồng quế, làm giàu rồi nhé. Mong sao, ai đi tham quan hôm nay rồi cũng thành tỷ phú quế cả!”. 

Một bác trong đoàn liền góp tiếng: "Bà con mình có quyết tâm không?”. Chẳng ai bảo ai, tất cả đồng thanh: "Quyết tâm...!”. Tiếng hô lay động non ngàn. Gió thu thoảng nhẹ. Hương quế tỏa ngát nồng thơm như tiếp thêm sinh khí cho những con người mộc mạc, cần cù vượt khó và đang quyết tâm tìm mở tương lai giàu mạnh.

Trở về họp thôn, A Súa cùng mấy anh kể về người Mông ở An Lương trồng quế giàu lắm. Vậy là, bà con Tà Chơ nhất loạt hưởng ứng dự án "Việt Nam xanh”. Ít hôm sau, A Súa quay lại An Lương đặt 100.000 cây quế giống cho cả 33 hộ và bây giờ đã trồng xong. Bên Háng Đay sau tết Nguyên đán mới trồng vì trong tết còn bận gặt lúa nương, thu khoai sọ. 

Chứng kiến những đoàn xe máy kìn kìn đưa quế giống về bản mà lòng lâng lâng phấn khởi. Chợt như thấy, xuân này đang thổi vào những bản người Mông còn bao nghèo khó như Tà Chơ, Háng Đay, Cống Dua… một sức sống mới. 

Và tôi tin rằng, sức trẻ đang căng tràn khát vọng thoát nghèo của những chàng trai, cô gái Mông trong những bản làng ấy sẽ cần mẫn vun chăm cho những mầm quế "Việt Nam xanh” để cây quế mai này tỏa lan mãi khắp nhiều bản làng không riêng ở Trạm Tấu và trở thành sinh kế thoát nghèo bền vững, làm giàu. 

Hoàng Nhâm