“Bảo tàng sống” của đồng bào Cao Lan

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/2/2022 | 8:51:06 AM

YênBái - Với niềm đam mê, tâm huyết và luôn đau đáu việc gìn giữ, phát huy những làn điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan, Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Nịnh Quang Thanh ở thôn 1 - Đá Cháy, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên được coi như “bảo tàng sống” của đồng bào Cao Lan hôm nay.

Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh cùng “liền chị” luyện tập một làn điệu Sình ca.
Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh cùng “liền chị” luyện tập một làn điệu Sình ca.

Từ thơ bé, ông Nịnh Quang Thanh đã được nuôi dưỡng và lớn lên cùng những câu hát Sình ca mượt mà, sâu lắng, ẩn chứa bao lời hay, ý đẹp về cuộc sống lao động, tình yêu thương giữa con người với con người, mối liên hệ mật thiết giữa con người với thế giới tự nhiên... Ông từng cùng bố mẹ và các liền anh, liền chị (báo nung) đi hát Sình ca khắp nơi có đồng bào Cao Lan sinh sống trên địa bàn tỉnh. 

Nhắc đến Sình ca, Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh tự hào chia sẻ: "Người hát Sình ca phải thể hiện được cung bậc cảm xúc, truyền tải đến người nghe hay hiểu cách khác "cái hồn” trong từng làn điệu mới là thứ quan trọng quyết định đến tài năng của một người nghệ nhân. Dù có luyện thanh, luyện âm cho đến kỹ năng hát tốt đến đâu mà không ngấm được "hồn” của các làn điệu Sình ca thì không thể truyền tải hết cái hay, cái đẹp, tính nhân văn trong lời ca của Sình ca”.

Dù với thế hệ trước, hát Sình ca như một món ăn tinh thần không thể thiếu, đã ngấm vào máu, vào da thịt người Cao Lan, nhưng trong cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ người Cao Lan đã không còn mấy hứng thú với Sình ca. Trăn trở khi thấy những điệu hát Sình ca đắm say một thuở đang dần biến mất, năm 2016, Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh đã tích cực vận động và là nòng cốt trong việc thành lập Câu lạc bộ Khuyến học, múa hát Sình ca. 

Từ chỗ chỉ có 6 thành viên, đến nay Câu lạc bộ đã thu hút 50 người tham gia ở các lứa tuổi. Ông cũng tích cực cùng chính quyền địa phương, các nhà trường dạy nói, dạy hát dân ca Cao Lan cho học sinh. Đồng thời, sưu tầm, nghiên cứu từ cách hát, nghệ thuật hát, các điệu múa đến các loại đạo cụ phục vụ hát Sình ca như: đàn bầu, sáo đệm, trống tâng sềnh, chiêng chẹ... 

Với những nỗ lực đó, hát Sình ca giờ đây đã không chỉ thu hút học sinh dân tộc Cao Lan mà cả các dân tộc anh em khác cùng tham gia để làn điệu Sình ca đắm say thuở nào sẽ còn được nối tiếp, trao truyền. Ông Nguyễn Thành Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Cuông chia sẻ: "Ngày trước, không ít các em nhỏ tự ti vì mình là người dân tộc thiểu số, không muốn nói tiếng Cao Lan. Nhưng rồi được tuyên truyền, đặc biệt là qua lớp học của Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh, thế hệ trẻ đã hiểu và ngày càng thêm yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ đó tự tin giao tiếp, mặc trang phục truyền thống, học múa, hát Sình ca...”. 

Đó quả là những tín hiệu vui, là phần thưởng đặc biệt quý giá với những người luôn đau đáu bảo tồn văn hóa truyền thống như Nghệ nhân Nịnh Quang Thanh. Xuân mới đã sang, xin chúc ông sức khỏe và luôn là "điểm tựa” vững chãi, tiếp tục trao truyền văn hóa truyền thống của đồng bào Cao Lan nói chung và những làn điệu Sình ca nói riêng cho thế hệ tương lai.

Trần Minh