Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống- nhìn từ vùng cao Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/3/2022 | 7:35:26 AM

YênBái - Những bệnh mà trẻ em được sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống thường mắc phải như: bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, hồng cầu liềm, dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, ốm yếu, mù màu…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu đã có những nét khởi sắc, nhiều hủ tục được loại bỏ, đồng bào tích cực tăng gia lao động sản xuất, hòa mình vào Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới”. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra.

Bác sĩ Đinh Thị Minh Luyện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu cho biết: "Đồng bào ở vùng sâu, vùng xa không hiểu hết được những hậu quả nặng nề khi trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe, tử vong sơ sinh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. 

Những bệnh mà trẻ em được sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống thường mắc phải như: bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, hồng cầu liềm, dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, ốm yếu, mù màu… Trong số những trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống, có tới 25% khả năng bị bệnh và 50% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh di truyền Thalassemia hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh. Người bệnh cần phải điều trị suốt đời, chi phí rất tốn kém”. 

Tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến tiếp tục tìm kiếm giải pháp ngăn chặn bằng được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, vì sự tiến bộ xã hội nói chung và phụ nữ nói riêng. Tảo hôn đã làm mất đi cơ hội học tập, phấn đấu vươn lên của rất nhiều bé gái. Những đứa trẻ sinh ra trong tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mang nhiều bệnh tật, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và hạnh phúc gia đình. 

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Trạm Tấu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền xã và thôn, bản xử lý các trường hợp vi phạm… 

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng giảm dần qua từng năm. Số trường hợp tảo hôn giảm từ 26% năm 2016 xuống còn 23% năm 2019. Cũng trong năm 2019, toàn huyện vẫn còn 4 cặp hôn nhân cận huyết. 

Đại hội Đảng bộ huyện Trạm Tấu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: "… Đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống”. 

Để thực hiện  mục tiêu đó, thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm, xác định rõ đối tượng cần tập trung tuyên truyền chính là học sinh các trường THCS, THPT, chú trọng giáo dục nâng cao hiểu biết của học sinh về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn. 

Ngoài ra, địa phương cũng đề cao trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình "Dân vận khéo” như: gia đình, dòng tộc, thôn bản không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của những người cao tuổi, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo trong cộng đồng...    

Lê Phiên