47 năm giải phóng quần đảo Trường Sa: Sức sống mới nơi huyện đảo Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ bảy, 30/4/2022 | 8:43:01 AM

Cách đây 47 năm, trong khí thế hào hùng của những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Quân chủng Hải quân đã tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo bất ngờ tấn công giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa vào ngày 29/4/1975. Sau 47 năm xây dựng và phát triển, huyện đảo Trường Sa hôm nay mang trong mình diện mạo mới, đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sỹ ngày càng tốt hơn.

Duyệt đội danh dự trên đảo Song Tử Tây.
Duyệt đội danh dự trên đảo Song Tử Tây.

Tháng 10/1985, khi vừa tròn 20 tuổi, tốt nghiệp Trường Sỹ quan chỉ huy kỹ thuật pháo phòng không, anh lính trẻ Nguyễn Khương Mẫn hăm hở lên tàu HQ613 ra nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong 5 năm, chiến sỹ trẻ Nguyễn Khương Mẫn vinh dự được góp công sức để xây dựng và bảo vệ chủ quyền tại đảo Sơn Ca và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như Nam Yết, Song Tử Tây,... Sau 32 năm được quay trở lại thăm đảo, "chiến sỹ Trường Sa” năm xưa nay đã là Đại tá, Phó Trưởng khoa Binh chủng, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Khương Mẫn xúc động cho biết, thời điểm tôi ra, các đảo vẫn còn rất hoang sơ, ít cây cối, nhà ở và các công trình như đường, bệnh xá chưa được đầu tư xây dựng như hiện nay, đặc biệt là thiếu rau xanh, nước ngọt. Nhưng nay, các đảo đã thay đổi rõ nét, những con đường bê tông sạch đẹp rợp bóng mát của cây  xanh; bệnh xá, trường học, nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ, các hộ dân,... được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời, truyền hình vệ tinh được đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân.


Tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên đảo An Bang. 

Trường Sa hôm nay đang đổi mới từng ngày. Hệ thống đường sá, nhà ở khang trang, kiên cố hơn, nhiều công trình đa chức năng như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện bằng sức gió… đã được xây dựng. Các công trình này không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quân - dân huyện đảo và ngư dân các địa phương làm ăn phát triển kinh tế biển, kết hợp kinh tế - quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần cùng quân, dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Giờ học của học sinh Trường tiểu học Sinh Tồn. 

Hiện tại, huyện đảo có có 4 âu tàu tại Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa và Sinh Tồn với sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn vào neo đậu nghỉ ngơi, tránh bão. Các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tích cực hỗ trợ ngư dân về sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu,… để ngư dân vươn khơi bám biển. Quần đảo có 10 bệnh xá, trong đó có nhiều bệnh xá được xây dựng mới khang trang, trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y, bác sỹ có tay nghề chuyên môn cao, thực hiện khám chữa bệnh, cấp phát thuốc kịp thời cho cán bộ, chiến sỹ và ngư dân.

Bên cạnh đó, các công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm Liệt sỹ, chùa, nhà văn hóa trên các đảo,... là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa dân tộc cho quân dân huyện đảo, làm cho huyện đảo như gần hơn với đất liền.

Ông Lương Xuân Giáp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện đảo Trường Sa cho biết, sự đoàn kết quân - dân, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân với dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao,... đã làm nên một huyện đảo Trường Sa xanh đẹp, no ấm như ngày hôm nay.


Âu tàu trên đảo Trường Sa giúp ngư dân neo đậu, tránh trú khi dông bão. 

Theo ông Lương Xuân Giáp, trong thời gian tới, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo đẩy mạnh quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhất là Nghị quyết số 36 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đồng thời, chính quyền và nhân dân huyện đảo tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt, nuôi trồng hải sản, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của quân và dân. Đặc biệt, huyện đảo thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân các địa phương khai thác, đánh bắt hải sản trên khu vực quần đảo Trường Sa, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng huyện đảo "Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.

(Theo Tin tức)