"Tranh vẽ như vậy là xúc phạm những chiến sỹ Điện Biên chúng tôi"

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/5/2022 | 8:21:57 AM

YênBái - Dư luận đang dậy sóng với bức tranh, tạm gọi với cái tên "Bộ đội cầm cờ rách”, như được mô tả, trong triển lãm "Điện Biên Phủ” của họa sỹ Mai Duy Minh. Cuộc triển lãm dự kiến diễn ra vào chiều ngày 7/5/2022 nhưng đã bị Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tạm dừng vào những phút chót.

Cựu chiến bịnh Nguyễn Văn Đích, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.
Cựu chiến bịnh Nguyễn Văn Đích, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.

Đang có những ý kiến trái chiều về việc tạm dừng cuộc triển lãm cũng như nội dung bức tranh "Bộ đội cầm cờ rách” của họa sỹ Mai Duy Minh, một họa sỹ được đào tạo khá bài bản, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, người được đánh giá là có kỹ năng tạo hình xuất sắc, thực hành ổn định 20 năm và có nhiều tác phẩm đã đi vào ấn phẩm học thuật chuyên ngành… 

Đứng trước vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến thôn Xóm Soi, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái để gặp ông Nguyễn Văn Đích, 90 tuổi, cựu chiến sỹ Điện Biên, người đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn tại Him Lam, Đồi A1, cánh đồng Mường Thanh… cảm nhận những quan điểm của ông về bức tranh  này.

Ông Nguyễn Văn Đích kể: Tôi nhập ngũ tháng 3 năm 1951, thuộc Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 52, Sư đoàn 308 sau khi cưới vợ tôi là bà Phạm Thị Tần, nữ dân công tham gia cả Chiến dịch Biên giới và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau huấn luyện tại Đại Từ, Thái Nguyên, đơn vị chúng tôi vượt đèo Khế, bến Bình Ca, bến Âu Lâu rồi qua đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin vào Điện Biên Phủ. Chúng tôi đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh hết sức ác liệt như trận Him Lam, đồi A1…, anh em thương vong rất nhiều. Bản thân tôi cũng bị thương nhiều lần do mảnh pháo của địch. Chia sẻ như vậy để mọi người thấy, tôi là nhân chứng sống và tôi xin khẳng định nếu không trực tiếp chiến đấu thì khó có thể hiểu nổi sự khốc liệt của chiến tranh, qua đó chúng ta càng quý trọng hơn giá trị của hòa bình, độc lập. 

Qua đây, tôi cũng muốn nói, người lính Điện Biên năm xưa khó khăn và gian khổ lắm, đất nước còn nghèo, chuyện thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm là bình thường. Thực dân Pháp có nhiều vũ khí trang bị hiện đại, có căn cứ chiến đấu được xây dựng bài bản, kiên cố; bộ đội tiến quân vào tập đoàn cứ điểm trong điều kiện rét mướt, nhiều ngày mưa phùn…, vì thế quần áo không thể nói là gọn gàng, tươm tất, râu tóc nhiều anh em lâu ngày không cắt, không cạo… Tuy nhiên, ý chí chiến đấu thì luôn cao độ, tinh thần anh em luôn phơi phới niềm lạc quan, tin tưởng Đảng, Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ lãnh đạo, chỉ huy để bộ đội ta giành chiến thắng. 

Xin khẳng định rằng sẽ chẳng có anh bộ đội nào trong giờ phút vẻ vang, phất cao ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng lại có bộ dạng giống như một con quỷ trong những bộ phim hoạt hình mà cái anh họa sỹ Mai Duy Minh đã vẽ.

Nghe nói, anh ta đã đi điền dã nhiều ngày, gặp nhiều cựu chiến sỹ Điện Biên. Tôi không biết anh đã đi những đâu, gặp những ai nhưng chắc chắn là bộ đội ta trong giây phút vinh quang sẽ không mang hình ảnh tồi tệ đến vậy. 


Bức tranh "Bộ đội cầm cờ rách” của họa sỹ Mai Duy Minh đang bị cộng đồng dư luận xã hội phản đối. 

Xem qua bức tranh, nhìn bộ dạng, ánh mắt và răng lợi của nhân vật trong bức tranh "Bộ đội với lá cờ rách”, tôi thật sự không thể hiểu nổi anh họa sỹ này muốn biểu đạt điều gì. Tôi có quyền đặt câu hỏi về sự nghiêm túccũng như cái nhìn thiếu tích cực của tác giả. 

Về lá cờ, xin thưa, trong quân đội nhân dân Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam, lá cờ là biểu tượng thiêng liêng, được giữ gìn cẩn thận. 

Ngày ấy, Tiểu đoàn 54 của chúng tôi phân công một đồng chí cất giữ lá cờ quyết chiến, quyết thắng của đơn vị mình. Đồng chí nào được giao nhiệm vụ quan trọng này đều là những người nhanh nhẹn, có trách nhiệm và giỏi chiến đấu; họ luôn coi đó là vinh dự lớn, trách nhiệm cao. Trong quá trình chiến đấu, ngoài vũ khí trang bị, chúng tôi còn phải mang theo gạo rang, nước uống vì thế khả năng cơ động bị ảnh hưởng ít nhiều. Dù vậy, đồng chí nào được chỉ huy giao nhiệm vụ quản lý lá cờ Tổ quốc (thường là đồng chí chính trị viên) còn cẩn trọng lấy một ống tre hoặc bương, cho lá cờ vào đó nhằm tránh bụi bẩn hoặc lửa cháy. Tất nhiên vẫn có trường hợp lá cờ bị bám bụi đất, bị đạn thù xuyên thủng và cả máu của chiến sỹ thấm vào nhưng cuộc đời bình nghiệp của tôi tham gia rất nhiều trận đánh nhưng chưa thấy lá cờ nào lại rách nát, te tua như cờ trong bức tranh của họa sỹ Mai Duy Minh.

Đành rằng nghệ thuật phải có sự sáng tạo, dù không có chuyên môn về hội họa nhưng tôi vẫn nhận thấy bức tranh ấy quá xấu, không phản ánh đúng hiện thực. Cảm giác bị bôi nhọ, bị xúc phạm thực sự có trong tôi khi xem bức tranh này. Hãy giữ lấy hình ảnh hào hùng, oai phong, uy nghiêm và oanh liệt; đặc biệt là hãy để những chiến sỹ Điện Biện năm xưa tự hào vì được vinh danh xứng đáng với chiến thắng vẻ vang "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" mà họ đã góp công.

Lê Phiên
(Ghi theo lời của cựu chiến binh Nguyễn Văn Đích, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái)