Yên Bái: Liên kết phát triển cây thuốc nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/5/2022 | 5:12:02 AM

YênBái - Hơn 4 năm thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực chuỗi giá trị cây thuốc nam” do Liên minh châu Âu tài trợ, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YEN BAI CDSH) trực tiếp thực hiện, đã đem lại những hiệu quả tích cực. Đặc biệt, sự liên kết giữa nông dân (ND) và doanh nghiệp (DN) là cơ sở để người dân phát triển cây thuốc nam, tạo thu nhập bền vững.

Bà Hà Thị Thoa (bên trái) ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên giới thiệu bài thuốc trị sỏi thận gia truyền đến với khách hàng Hà Nội tại buổi hội thảo do YEN BAI CDSH tổ chức.
Bà Hà Thị Thoa (bên trái) ở thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên giới thiệu bài thuốc trị sỏi thận gia truyền đến với khách hàng Hà Nội tại buổi hội thảo do YEN BAI CDSH tổ chức.

Yên Bái là tỉnh có tiềm năng về cây thuốc nam, với nhiều loài cây thuốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều loại dược liệu quý đang bị suy thoái nghiêm trọng, những cây thuốc có giá trị được thương mại hóa, bị khai thác cạn kiệt, việc nghiên cứu gây trồng cây thuốc còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thị trường. 

Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển cây dược liệu UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án "Nâng cao năng lực chuỗi giá trị cây thuốc nam” thời gian thực hiện năm 2017 - 2021. YEN BAI CDSH đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người dân trồng cây thuốc nam như: xây dựng diễn đàn trực tuyến cho các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị thuốc nam; tạo diễn đàn cho người sản xuất, đơn vị sản xuất, nhà kinh doanh dược phẩm; các thầy thuốc đông y và các bệnh nhân truy cập để tìm hiểu thông tin...

Qua đó, tạo mối liên kết giúp các cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của ND như: Trung tâm Khuyến nông và Hội Nông dân tỉnh tiếp cận dữ liệu kết nối DN kinh doanh cũng như các bài thuốc đông y và các xu hướng và chính sách liên quan đến thuốc nam. 

Diễn đàn còn giúp các công ty dược Việt Nam quan tâm đến vùng trồng thuốc nam, xác định vùng dược liệu và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Việc liên kết giữa ND và DN phát triển phù hợp trong chuỗi giá trị cây thuốc nam hiệu quả, bền vững, có sự liên kết với nhau, nêu cao tinh thần tương hỗ. 

Ông Phạm Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Thanh Sơn chia sẻ: "Để đảm bảo dược liệu dùng tốt, tinh khiết và có nguồn gốc xuất xứ, người dân cần thực hành sản xuất nông nghiệp đúng kỹ thuật, thời gian thu hái; DN đảm bảo cung cấp cây giống, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”.

Bên cạnh đó, YEN BAI CDSH cũng tổ chức các hoạt động: thông tin về các vùng cây thuốc nam và các bài thuốc đông y; thực hành đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của DN của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị; tổ chức các buổi hội thảo kết hợp giới thiệu sản phẩm cây thuốc, bài thuốc gia truyền của các ông lang, bà mế trong tỉnh. 

Là 1 trong 4 địa phương tham gia Dự án, ông Lê Trí Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cho biết: "Người ND đã được nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp khi tham gia Dự án này, bởi họ được tiếp cận với các nhà khoa học và các DN. Ngoài ra, địa phương cũng tạo điều kiện tốt nhất để người dân tham gia thực hiện chuỗi giá trị”.  

Hiện, xã Bảo Ái có 17 hộ tham gia trồng cà gai leo với tổng diện tích 1 ha, sản phẩm dược tạo ra đã được HTX Dược liệu Thanh Sơn và Công ty Dược Tuệ Linh, Hà Nội thu mua mang thu nhập ổn định cho người dân. 

Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Lan - Giám đốc YEN BAI CDSH, Trưởng ban Ban Quản lý Dự án, thời gian qua, Trung tâm đã có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm cây thuốc nam của tỉnh nhất là tạo mối liên kết giữa ND và DN như:  kết nối trực tiếp với Cục Quản lý y dược cổ truyền, Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Hiệp hội Các DN dược Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Hội Nam y, Hội Đông y Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La… Hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu chủ lực theo từng vùng, từng địa phương gắn phát triển cây dược liệu với phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn tỉnh hiện có 70 hộ trồng cà gai leo, diện tích 12 ha, sản lượng 90 tấn/năm; 40 hộ trồng cây lá khôi, với diện tích 22 ha, sản lượng 5 tấn khô/năm và 1 nhóm sở thích trồng cây lá gan… sản phẩm thuốc nam của người dân được các DN thu mua hết, đem lại giá trị trung bình đạt 150 triệu đồng/ha/năm.

Tiềm năng và giá trị cây thuốc nam đã được khẳng định, đặc biệt sự liên kết giữa ND và DN trong thực hiện Dự án "Nâng cao năng lực chuỗi giá trị cây thuốc nam” sẽ tạo tiền đề để người dân Yên Bái tiếp tục phát triển cây thuốc, xây dựng thêm những chuỗi giá trị mới, những vùng dược liệu mới, những sản phẩm mới, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Huyền