Yên Bái: Công bằng trong cung cấp dịch vụ y tế cho người dân vùng đặc biệt khó khăn

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/5/2022 | 5:29:46 AM

YênBái - Những năm qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực cán bộ y tế, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho tuyến huyện, đặc biệt ở các địa phương khó khăn. Qua đó, tạo điều kiện để người dân vùng cao có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình.
Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hồng Vân kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình.


Những năm qua, ngành y tế đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho tuyến huyện, các trạm y tế xã, đặc biệt ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Kết quả cụ thể là gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho tuyến huyện, các trạm y tế xã; đặc biệt, tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, các nguồn vốn của các chương trình, dự án ODA, NGO, vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, vốn từ ngân sách cơ bản đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh ban đầu, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. 

Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu được đầu tư xây mới đi vào hoạt động năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải được cải tạo, nâng cấp năm 2018. Các trạm y tế xã cũng được cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới và đầu tư trang thiết bị từ Dự án EU, Dự án HPET. Gần đây nhất, Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở vay vốn Ngân hàng Thế giới đang thực hiện cải tạo, sửa chữa và xây mới 13 trạm y tế của huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải. 100% trạm y tế xã tại 2 huyện này được đầu tư trang thiết bị y tế (15 trạm y tế sẽ được đầu tư từ nguồn dự án y tế cơ sở, 11 trạm y tế đã được đầu tư từ nguồn Dự án HPET).

- Việc đầu tư mang tính đồng bộ và căn bản, vậy hiệu quả mang lại trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Việc đầu tư mang tính đồng bộ tại các cơ sở y tế, đặc biệt tại các địa phương khó khăn đã góp phần không nhỏ phục vụ công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận gần hơn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới dịch vụ y tế đảm bảo công bằng với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị được đầu tư cùng với nâng cao năng lực cán bộ, từ đó, các tuyến y tế cơ sở có thể triển khai các dịch vụ kỹ thuật cùng tuyến, kỹ thuật vượt tuyến, đáp ứng yêu cầu người dân, hạn chế chuyển tuyến điều trị. 

- Xin bà cho biết khó khăn và thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đối với địa phương vùng cao?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự cố gắng của tập thể đội ngũ cán bộ y tế, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và đặc biệt tại vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể như: cơ sở hạ tầng y tế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn chưa đồng bộ. 

Nguồn kinh phí từ ngân sách để đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ kỹ thuật cao còn hạn chế, kinh phí để duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế chỉ thực hiện được một phần. 

Thiếu cán bộ so với vị trí việc làm, chủ yếu là thiếu điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tay nghề giỏi. Đặc biệt, tại các huyện vùng cao (Trạm Tấu, Mù Cang Chải) và các trạm y tế xã. Chính sách thu hút cán bộ y tế giỏi về tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn. Phong tục tập quán ảnh hưởng đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đặc biệt người dân tộc Mông có thói quen đẻ tại nhà... Bên cạnh đó, phân bố dân cư thưa, điều kiện đi lại khó khăn, việc tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

- Thưa bà, hiện nay, ngành có những chính sách, nguồn lực ưu tiên gì cho các địa phương vùng cao?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Những năm qua, ngành y tế Yên Bái luôn tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách và huy động tối đa các nguồn lực ưu tiên cho các địa phương vùng cao, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể: thực hiện đầy đủ các chính sách về khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đối với đồng bào vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; đã triển khai Đề án về công tác DS-KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức thực hiện một số chính sách về công tác DS - KHHGĐ tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh). 


Trạm y tế xã, phường đã được đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra trang thiết bị). 

Đồng thời, ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo quy định như: Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 về việc Ban hành Quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. 

Ngoài ra, hàng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo của toàn ngành và kế hoạch thực hiện chế độ luân phiên theo đúng quy định, nhằm tăng cường nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng cho các tuyến, ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị các cơ sở y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại.

- Giai đoạn tới đây, ngành tham mưu giúp tỉnh và có những giải pháp như thế nào để người dân vùng cao được thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Để từng bước nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn tới, ngành y tế tập trung triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Trước tiên, tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. 

Kế đến, nâng cao năng lực, hiệu quả y tế dự phòng gắn với đổi mới hệ thống y tế cơ sở, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng y tế dự phòng và đổi mới y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025. Quan tâm phát triển y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh khác. 

Năm 2022, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Tiếp tục huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị các cơ sở y tế theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao, chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế "vừa hồng vừa chuyên”, hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân. 

Tiếp tục tăng cường bác sĩ về công tác tại trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh phong trào thi đua "bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” trong toàn ngành.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trần Minh (thực hiện)